Bệnh nghiện công nghệ của giới trẻ ngày nay đang tạo ra ngày càng nhiều những từ vựng mới mang hàm ý châm biếm.
Ảnh Getty Images |
Những từ vựng mới có thể miêu tả một xu hướng hoàn hảo đến nỗi đôi khi bạn tự hỏi làm sao bạn có thể sống thiếu chúng.
Một trong những thuật ngữ thú vị mà tôi tìm thấy năm ngoái đó là 'đê đầu tộc' ('bộ lạc cúi đầu') trong tiếng Trung Quốc. Nó diễn tả những người đi trên đường mà chỉ chúi đầu vào màn hình điện thoại.
Đó là một thuật ngữ dí dỏm và giàu hình ảnh hơn rất nhiều so với những thuật ngữ thông thường như 'kẻ nghiện điện thoại' và gần gũi hơn rất nhiều với trải nghiệm thực của chúng ta.
Nếu như bạn thuộc 'bộ lạc cúi đầu', có lẽ bạn cũng là thành viên của 'mẫu chỉ tộc' ('bộ lạc ngón tay'): Những người gõ vào màn hình điện thoại không ngưng nghỉ. Thuật ngữ này bắt nguồn từ Nhật Bản, oyayubizoku, nơi mà các thiếu niên giỏi nhắn tin hơn nói chuyện.
Cũng giống như những cái mác xã hội khác, những thuật ngữ này mang ngụ ý chế nhạo những đối tượng bị nhắm tới. Tuy nhiên chúng cũng là sự thừa nhận về những thay đổi đang diễn ra.
Ảnh Getty Images |
Những ý nghĩ trái chiều về quy ước xã giao đang diễn ra trong những cuộc đối thoại hàng ngày ở các nước Đông Á, theo trang blog Language Log.
Trong ngôn ngữ phương Tây có những thuật ngữ tương tự hay không? Có hai từ có thể được tính đến, tuy nghe không 'ép phê' bằng.
Hành động phớt lờ người khác bằng cách nhìn vào điện thoại của bạn, ngay cả khi bạn đang mua cà phê hoặc ngồi cùng bàn với họ, gọi là 'phubbing' (kết hợp của từ snub (làm mất mặt) và phone (điện thoại).
Từ này được phát minh vào năm 2012 bởi hãng quảng cáo McCann Melbourne ở Úc trong một chiến dịch quảng bá từ điển. Chiến dịch này sau đó đã châm ngòi cho một chiến dịch khác, mang chủ đề 'stop phubbing' ("hãy ngưng phớt lờ người khác bằng việc chúi mũi vào điện thoại").
Ảnh Getty Images |
Một thuật ngữ khác là 'smombie', kết hợp của từ 'smartphone' (điện thoại thông minh) và 'zombie' (xác sống), ám chỉ những người không để ý mình đang đi đâu vì chỉ lo dán mắt vào màn hình điện thoại.
Thuật ngữ này được bình chọn là 'Từ Trong Năm của Giới trẻ' tại Đức năm 2015, và cũng được những người lớn tuổi sử dụng để châm biếm thói quen của giới trẻ. Người Đức cũng đang nghĩ đến việc là quốc gia đầu tiên trên thế giới đặt đèn giao thông trên lề đường để ngăn các 'smombie' không đi nhô ra trước đầu xe buýt.
Ở một khía cạnh nào đó, những điều này không hoàn toàn mới.
Những thuật ngữ chỉ trích các xu hướng công nghệ đã ra đời kể từ những ngày đầu tiên của ngành viễn thông.
Khi điện thoại được đưa vào sử dụng đại trà tại Hoa Kỳ vào Thế kỷ 19, nó mang lại niềm vui và cả nỗi lo lắng.
Đối với nhiều người, hoà bình thế giới chỉ mới được thiết lập một thế kỷ sau khi điện thoại ra đời. Đối với những người khác, những phương thức tương tác mới mang lại sự nghiện ngập, gây phung phí thời gian. Những hội chứng cuồng này lại làm những từ vựng mới được phát minh.
'Hội chứng cuồng điện thoại' được nhắc đến lần đầu tiên trong tạp chí Western Electrician ở Chicago vào ngày 17/7/1897.
Image caption Mobile phone users ( Getty Images) |
Bài viết có đoạn: "Những người mắc hội chứng này là những người đàn ông rảnh rỗi, không biết quý thời gian. Họ càng rảnh rỗi bao nhiêu thì khó có khả năng cai nghiện bấy nhiêu..."
"Một trong các biểu hiện rõ ràng nhất của căn bệnh này đó là sở thích nói chuyện với người khác về những chuyện viển vông từ sáng đến tối. Đặc điểm đáng lo nhất của căn bệnh này đó là những con nghiện không nhận ra rằng họ đang làm cho người khác khó chịu... Họ cứ thích nói chuyện dông dài cả ngày."
Sở thích buôn chuyện có lẽ giờ đây đã bị thay thế bởi những sở thích câu 'like' trên Facebook. Con người ta đang ngày càng để ý nhiều hơn đến những điều xa vời thay vì những thứ ở ngay trước mắt.
Thực vậy, nó là câu chuyện được nói đến hàng ngày trên truyền thông, mang lại nhiều thách thức cho những cách suy nghĩ truyền thống về không gian, cộng đồng và thời gian.
Chúng ta sẽ dùng những từ gì để diễn tả một người đi bộ trên phố đang sử dụng công nghệ thực tế tăng cường? Và nếu bạn không cúi đầu vào màn hình điện thoại mà thay vào đó, màn hình được gắn vào kính mắt, kính áp tròng hoặc chiếu thẳng vào con ngươi mắt của - liệu người đối diện có thể biết bạn đang phớt lờ họ hay không?
Tới khi đó, chúng ta có lẽ không cần những thuật ngữ để chỉ những khi người khác đang dùng công nghệ, mà những khi họ không dùng đến chúng.
Nguồn: Tom Chatfield BBC Future