Trên khắp thế giới, các bậc phụ huynh đưa con đến cổng trường, hy vọng những đứa trẻ sẽ thành đạt sau những năm đi học. Họ ủy thác cho giáo viên nhiệm vụ vun đắp sự phát triển của trẻ, mở ra một thế giới mới trước mắt chúng. Đó là một trách nhiệm lớn lao. Nhưng điều này có tương xứng với mức lương giáo viên nhận và địa vị xã hội của họ hay không? Nhân ngày Nhà giáo, hãy nhìn lại công việc cao cả này.
Ảnh minh họa |
Giáo viên trên thế giới
Một nghiên cứu năm 2013 của Quỹ Varkey Gems đã xem xét địa vị xã hội của các giáo viên và nhận thấy rằng họ rất được kính trọng tại nhiều xã hội Châu Á – đặc biệt là Trung Quốc, Nam Hàn và Singapore. Đối với phần lớn phương Tây, mức độ tôn trọng thấp hơn nhiều.
Chỉ số Trạng thái Giáo viên Toàn cầu cho thấy trong số 21 quốc gia được khảo sát, trung bình thì giáo viên xếp thứ 7 trong 14 ngành nghề được kính trọng, đứng trên nhân viên xã hội và nhân viên thư viện. Trung Quốc là quốc gia duy nhất xem giáo viên là nghề nghiệp có trình độ cao tương đương bác sĩ.
Giáo sư Peter Dolton, tác giả của Trạng thái Giáo viên Toàn cầu đã so sánh thái độ với giáo viên tại 21 quốc gia, các tiêu chí đánh giá “dựa trên lịch sử, phong tục và các giá trị văn hóa.”
Ví dụ, ông dẫn chứng Thành phố New York, nơi mà chú trọng vào mức thu nhập tài chính, địa vị tương quan với thu nhập của giáo viên. Trong khi ở Trung Quốc, nơi tiêu chuẩn văn hóa tôn trọng các bậc trưởng bối, giáo viên có vị trí cao mặc dù họ không có lương cao.
Những quốc gia có sự tôn trọng cao đối với giáo viên có xu hướng khuyến khích con họ đi theo ngành nghề này. Trung Quốc, Nam Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập là những quốc gia khuyến khích trẻ em trở thành giáo viên. Trong khi Isarel, Brazil, Bồ Đào Nha và Nhật Bản là những nước ít khuyến khích nhất.
Giáo sư Dolton đang làm việc cho bản báo cáo kế tiếp vào năm 2018 và ông nói sẽ tập trung mạnh vào Mỹ Latin và Châu Phi, những nơi mà trong báo cáo lần một chưa đề cập đến.Photo Credit: CNN |
Đào tạo giáo viên cấp cao
Phần Lan và Singapore có cách giảng dạy khác nhau nhưng cả hai quốc gia này đều đào tạo được những sinh viên thành công nhất thế giới.
Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào Hàn Quốc, Singapore và Phần Lan, nghề giáo viên được kính trọng, có lương cao và có nhiều lựa chọn trong việc phát triển chuyên môn. Xã hội cần những giáo viên tận tâm. Chính quyền đóng một vai trò quyết định.”
Singapore đứng đầu trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA), dựa trên bài kiểm tra toán, đọc hiểu và khoa học của các em học sinh 15 tuổi. Bài kiểm tra do OECD điều hành và thực hiện mỗi 3 năm để đo lường các bảng xếp hạng trường toàn cầu.
Các kết quả gần đây nhất của PISA cho thấy hệ thống giáo dục Châu Á đã dẫn đầu trong hầu hết các kết quả. Bao gồm bảy thứ hạng đầu tiên trong thi toán là của Singapore, Hồng Kông, Macau, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Hàn.
Canada đứng thứ 10 trong lĩnh vực toán học, thứ ba về đọc hiểu và thứ bảy về khoa học, nước là quốc gia không thuộc Châu Á có thứ hạng cao nhất. Phần Lan đứng thứ 13 về toán, thứ 4 về đọc hiểu và thứ 5 về khoa học, cũng là nước thuộc Châu Âu có thứ hạng cao nhất.
Các nước này có cách giảng dạy rất khác nhau nhưng tất cả đều có một đặc điểm chung là họ rất kính trọng giáo viên, ông Andreas Schleicher – giám đốc giáo dục OECD cho hay.
“Những giáo viên ở Phần Lan và Singapore đều có một điểm chung là: họ có một nghề nghiệp tuyệt vời. Họ thực hành chuyên môn, hài lòng với công việc và chất lượng.” Ông nói thêm.
Canada cũng vậy, đó là lý do quốc gia này có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng PISA, họ tập trụng vào chất lượng giảng dạy.
Tại Singapore, tất cả giáo viên được đào tạo tại Học viện Giáo dục Quốc gia, họ được chọn lựa từ những người tốt nghiệp ưu tú nhất.
Nhưng điều quan trọng hơn là tại Singapore, giáo viên có đến 100 giờ phát triển chuyên môn mỗi năm. “Đó là khoản đầu tư lớn vào đào tạo giáo viên.” Ông Schleicher nói.
Tại Phần Lan, trúng tuyển vào chương trình đào tạo giáo viên là một vinh dự. Theo Trung tâm Giáo dục và Kinh tế (NCEE), các chương trình đào tạo giáo viên có sự chọn lọc cao, chỉ chấp nhận khoảng 1 trên 10 người nộp đơn.
“Không ngạc nhiên khi Phần Lan có tỷ lệ giáo viên gắn bó với nghề cao. Khoảng 90% số giáo viên được đào tạo sẽ gắn bó với nghề này trong một khoảng thời gian.” NCEE cho hay.
Giáo sư Dolton cho biết giáo viên tại Phần Lan, khác với nhiều nơi trên thế giới, họ đều có trình độ thạc sỹ.
Trong những quốc gia có thành tích cao, ông Schleicher nhận xét rằng tất cả có một điểm chung: “Không phải chỉ là lương bổng, mà còn là địa vị của ngành nghề này gây nên sự thu hút muốn trở thành giáo viên.”
Ở đâu giáo viên được trả lương cao nhất
Châu Âu được xếp đầu trong những nơi giáo viên được trả lương cao nhất, theo báo cáo OECD gồm 35 quốc gia. Ở Luxembourg, mức lương khởi điểm của giáo viên còn cao hơn nhiều với mức lương của những giáo viên kì cựu nước khác.
Thụy Sĩ, Đức và Bỉ là những quốc gia có mức lương cao tiếp theo cho giáo viên trung học. Hạng 6 trong 10 hạng đầu mức lương cao nhất cho giáo viên trung học tại Châu Âu.
Trong bản báo cáo về giáo dục toàn cầu của OECD cho hay: “Lương bổng và điều kiện làm việc rất quan trọng trong việc thu hút, phát triển và duy trì các giáo viên giỏi và có tay nghề cao. Các nhà hoạch định chính sách nên xem xét kỹ lưỡng lương bổng của giáo viên và quản lý ngân sách giáo dục.”
Theo OECD, cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 đã ảnh hưởng trực tiếp đến lương giáo viên. Ở một số nước, lương của họ bị cắt giảm hoặc bị đóng băng. Trong giai đoạn 2005 – 2015, mức lương giáo viên đã giảm khoảng một phần ba. OECD cho hay: “Giảm 10% ở Anh và Bồ Đào Nha, và tới 28% ở Hy Lạp.”
Lương bổng không tương quan tới kết quả nhưng địa vị của giáo viên thì có. Ông Schleicher cho hay: “Nếu muốn ngành nghề này thu hút thì phải hỗ trợ họ tốt.”
Ảnh minh họa |
Tăng cường vị thế giáo viên
Vào năm 2013, Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu đã được Quỹ Varkey lập ra. Giải thưởng này có khoảng 20,000 ứng viên mỗi năm, và sẽ chọn lọc còn 50 người vào chung kết, sau đó tuyển chọn còn 10 người. Một người chiến thắng sẽ nhận được phần thưởng 1 triệu Mỹ kim.
Giải thưởng này đã thu hút được sự chú ý của báo chí, nó giúp nâng tầm vị thế của giáo viên. Nó cũng là một tác nhân tích cực để tạo một mạng lưới giáo viên có thể hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trên toàn cầu.
“Rất đơn giản, chúng tôi muốn thể hiện sự trân trọng với nghề giáo.” Các giáo viên được mời đến dự các buổi talkshow ở Thổ Nhĩ Kỳ. tại Macedonia, thị trưởng đã tháo dỡ những bản quảng cáo và đăng áp-phích hình một cô giáo để chúc mừng cô. Tại Hà Lan, một giáo viên được lên phóng sự với thủ tướng để chúc mừng cô này được đề cử giải.
“Giải thưởng này sẽ góp phần công nhận những cống hiến của ngành giáo. Nếu chúng ta trân trọng giáo viên thì càng nhiều người muốn làm công việc này. Tôi muốn sống trong một thế giới có những giáo viên nổi tiếng thay vì Kim Kardashian.” Pota nói.