(VnReview) Lý thuyết trí tuệ xúc cảm (EI, còn gọi là EQ) của nhà báo khoa học Daniel Goleman được giới thiệu vào năm 1995 tại các trường kinh doanh khắp thế giới. Ý tưởng cho rằng đặc điểm nổi trội trong quản lý hiệu quả đến từ EI chứ không phải trí thông minh (IQ) hay mức độ kinh nghiệm, độ dày CV của ai đó... cũng phải mất một thời gian mới trở thành ngôn ngữ phổ biến trong giới kinh doanh chính thống.
Hiện nay, dù vẫn chưa có tiêu chuẩn cứng nào cho EI, trí khôn truyền thống đang thiên về khả năng mềm dẻo này so với năng lực cố định của sức mạnh não bộ con người.
Theo Chip Conley tác giả sách bán chạy của New York Times, doanh nhân thành công trong lĩnh vực nhà hàng-khách sạn. Ông là nhà sáng lập kiêm CEO của Joie de Vivre Hospitality, thương hiệu khách sạn loại nhỏ lớn thứ hai thế giới cho biết " Khi tôi tốt nghiệp trường kinh doanh, tôi nghĩ rằng, nếu tôi muốn trở thành một CEO thành công thì tôi phải là siêu nhân. Nhưng sau hơn hai mươi năm là một CEO, tôi đã hiểu ra rằng, những nhà lãnh đạo giỏi nhất không phải là anh hùng truyện tranh, họ chỉ là những siêu nhân đã phát triển được bốn năng lực trí tuệ xúc cảm theo lý thuyết Goleman: tự nhận thức, tự quản lý, nhận thức xã hội, quản lý quan hệ. Gần đây, Goleman bảo tôi: "EI bao gồm một dải rộng các năng lực, và không có nhà lãnh đạo nào đạt điểm A+ cho tất cả-kể cả người giỏi nhất vẫn có thứ cần cải thiện".
Tôi thường được hỏi về các lãnh đạo doanh nghiệp là những hình mẫu cao nhất của trí tuệ xúc cảm, vì vậy tôi quyết định làm một nghiên cứu nhỏ. Giới hạn trong các CEO thuộc top Fortune 500 công ty Mỹ, tôi bắt đầu hỏi tất cả mọi người tôi biết về mô hình họ ngưỡng mộ nhất về EI, rồi tôi nói chuyện với nhân viên của các công ty trên, đào sâu vào các bài diễn văn của các CEO này, các bài báo viết về họ. Dĩ nhiên, tôi cũng xem xét năng lực của công ty mà họ là "nhiệt kế cảm xúc" cho tổ chức của họ.
Dưới đây là danh sách thường niên 10 giám đốc điều hành cảm xúc của Mỹ năm đầu tiên được Chip Conley bình chọn trong một bài báo trên Huffington Post năm 2011. Danh sách được xếp theo thứ tự alphabet trong tiếng Anh:
Ảnh Minh Họa |
#1. Jeff Bezos (Amazon.com): Với giọng cười lạ lùng và phong cách tự coi thường bản thân, Bezos có vẻ không giống với một CEO trong top Fortune 500 nhưng đó có thể là lợi thế của ông. Nỗi ám ảnh của ông về trái tim và tâm trí các khách hàng, viễn cảnh dài hạn về các mối quan hệ, chiến lược kinh doanh, cũng như clip Youtube mà ông công bố việc Amazon mua lại Zappos năm 2009, tất cả đã trở thành huyền thoại.
#2. Warren Buffett (Berkshire Hathaway): "Thành công trong đầu tư không tương quan với IQ một khi bạn ở độ tuổi trên 25. Khi bạn có trí thông minh bình thường, điều bạn cần là sự điềm tĩnh để kiểm soát sự thôi thúc khiến những người khác gặp rắc rối trong đầu tư". Trung thành và định hướng quan hệ một cách mạnh mẽ, Warren Buffet yêu cầu các CEO của ông điều hành công ty như thể họ sẽ sở hữu chúng trong 100 năm kể từ lúc này.
#3. Ursula Burns (Xerox): Theo sau việc Anne Mulcahy lên chức chủ tịch, Burns được tiếp quản vị trí CEO. Sự kiện lần đầu tiên có sự chuyển giao quyền lãnh đạo CEO giữa phụ nữ với nhau trong một công ty Fortune 500 đã trở thành tình huống nghiên cứu (case study) điển hình trong phát triển tổ chức. Thẳng thắn nhưng tôn trọng, sự quả quyết của Ursula tương xứng với sự nhạy bén với sứ mệnh mà bà truyền cảm hứng cho các nhân viên.
#4. Jamie Dimon (JPMorgan Chase): Dimon đã phát biểu tại trường kinh doanh Harvard (Harvard Business School) như sau: "Tất cả các bạn đã biết tới IQ và EQ. IQ của tất cả các bạn đủ cao để các bạn rất thành công, nhưng cái mà mọi người thường bị thiếu là EQ, một thứ mà bạn có thể cải thiện theo thời gian. Nhiều kỹ năng quản lý là EQ, bởi vì quản lý là cách con người hoạt động".
#5. John Donahoe (eBay): tiếp quản chức CEO kiêm chủ tịch eBay từ tháng 3/2008 sau khi Meg Whitman về hưu, Donahoe thừa kế một tình hình khó khăn với nhu cầu thay đổi thật sự chiến lược kinh doanh của công ty. Là hình mẫu cho lãnh đạo cấp độ 5 (khiêm tốn và khát vọng, theo mô hình trong cuốn Từ tốt đến vĩ đại của Jim Collins) và các nhà lãnh đạo "Phương Bắc đích thực" (True North) của Bill George, sự tự nhận thức có kỷ luật và khả năng lắng nghe của Donahoe đã giúp ông tạo ra một đội nhóm trung thành sâu sắc và một nền văn hóa khỏe mạnh, phát triển.
Mô hình 5 cấp độ lãnh đạo trong Từ tốt đến vĩ đại của Jim Collins (Ảnh: kynang.edu.vn) |
#6. Larry Fink (BlackRock, quỹ đầu tư lớn nhất thế giới): được một bài báo đánh giá là "sắc sảo về mặt tâm lý", CEO đã tạo ra công ty quản lý tiền bạc lớn nhất thế giới dựa trên sự tự phản chiếu, đội nhóm và giao tiếp trực tiếp. Nhóm lãnh đạo cấp cao của ông theo đuổi các buổi chuyên đề EI để cải thiện kỹ năng của mình.
#7. Alan Mulally (Ford): Hãy đi bộ vòng quanh khuôn viên doanh nghiệp của Ford, bạn sẽ thấy các bức tường văn phòng có các tờ ghi chú viết tay mà Mulally gửi đến các nhân viên để khen ngợi công việc của họ. Kỹ năng liên nhân tuyệt vời và khả năng giao tiếp giống Bill Clinton của Mulally sẽ khiến bạn cảm thấy mình là người duy nhất trong phòng khi bạn đang nói chuyện với ông.
#8. Indra Nooyi (Pepsi): Là một nhà tư bản có ý thức, nghị trình "năng lực có mục đích" của bà đã đưa các nhân viên từ chỗ có một công việc đến chỗ sống theo tiếng gọi của sứ mệnh. Nooyi ý thức một cách nghiêm túc rằng là một người phụ nữ màu mè nghĩa là mình có thể nhận được nhiều sự chú ý hơn, nhưng bà vẫn thể hiện tính cách của mình không e ngại, dù là lúc hát trên hành lang hay đi bộ chân trần trong văn phòng. Bà đã viết thư cho phụ huynh của 29 nhân viên điều hành cao cấp của Pepsi để kể cho họ nghe về những đứa con tuyệt vời mà họ đã nuôi nấng.
#9. Howard Schultz (Starbucks): Ông nói rằng, lý do chính khiến ông quay trở lại (vào năm 2008) là vì "tình yêu" đối với công ty và những người ở đó. Rất tận tâm với các lợi ích chăm sóc sức khỏe rộng rãi, đó là cái mà ông được truyền cảm hứng từ việc cha ông bị mất bảo hiểm y tế khi ông còn là một cậu bé.
#10. Kent Thiry (DaVita, một trong các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc thận lớn nhất nước Mỹ): Các nhà lãnh đạo có EI cao tạo ra các tổ chức định hướng văn hóa hoạt động với công suất đỉnh cao nhờ vào sức mạnh đội nhóm và sứ mệnh. Thiry tiếp quản một công ty-trung tâm phân tích thận bị suy thoái đến mức gần như đóng cửa. Với niềm đam mê kinh doanh, trong thập kỷ vừa qua Thiry đã làm cho mức tăng trưởng lợi nhuận giữ lại trên mỗi cổ phần lên đến gần 44% hàng năm, đưa công ty lên hạng 6 trong top Fortune 500 mọi thời đại.
Ngoài ra còn nhiều tấm gương danh dự khác, từ Jim Sinegal ở Costco, Gary Kelly ở Southwest Airlines cho đến Andrea Jung ở Avon hay John Mackey ở Whole Foods Market. Top 10 này có một số cái tên nổi tiếng cũng như một số CEO ít người biết hơn. Nhưng trước khi bạn ném đá vào những nhà lãnh đạo doanh nghiệp này, đừng quên nền tảng của Goleman: tất cả chúng ta làm việc trong sự tiến bộ. Điều làm cho những nhà lãnh đạo này nổi bật là mức độ tự nhận thức có kỷ luật giúp họ đi nhanh hơn các CEO bình thường, cũng như việc họ biết cách thu hút một đội ngũ bổ sung quanh mình.
Source: Huffinton Post & Posted by