So sánh với học sinh ở Mỹ thì các bạn nhỏ Việt Nam phải đi học quá nhiều, bố mẹ lo cho con vào lớp này, trường kia cũng khá tốn kém. Lịch học và sinh hoạt của các bạn nhỏ Mỹ có vẻ thư thả hơn nhiều so với các bạn ở Việt Nam.
Lịch học và sinh hoạt hàng ngày của học sinh Mỹ |
Dĩ nhiên, mỗi nước mỗi khác, nhưng sức khỏe của trẻ thì không chênh lệch nhau quá nhiều nên bố mẹ vẫn có thể tham khảo lịch của trẻ Mỹ. Ở đây, tôi dùng lịch lớp tôi đang dạy, vì lịch của các lớp khác, trường khác hay tiểu bang khác cũng tương tự thế. Tuy nhiên, sẽ có khác biệt đôi chút về thứ tự môn học hay giờ ăn trưa.
Giờ bắt đầu hay kết thúc ngày học cũng không khác nhiều lắm, và nếu bắt đầu sớm thì kết thúc sớm và ngược lại.
Sáng đến trưa
5h - 7h: dậy và đi đến trường, ăn sáng : Có những trường cho ăn sáng ở trường (nhất là những trường trong khu vực thu nhập thấp). Nhà bạn nào xa trường và bố mẹ đi làm sớm thì phải dậy sớm hơn.
7h30 - 8h (hay 8h15): có mặt tại lớp để chuẩn bị cho ngày mới. Thường lúc này có những hoạt động sau:
- Morning routines: làm những việc thường lệ như gọt bút chì, cất cặp vào ngăn, treo áo, chuẩn bị sẵn vở, nộp bài tập về nhà...
- Morning work: làm những bài tập dễ, đơn giản, vừa để ôn lại những gì đã học, vừa để gợi hứng thú cho ngày học mới.
- Community meeting: cô trò quây quần trò chuyện xem ngày và tối hôm qua các bạn đã làm những gì, ăn món gì, có gì vui hay buồn...
- Morning announcement: hát quốc ca, chào cờ, đọc lời tuyên thệ của lớp và trường, nghe thông báo về những hoạt động trong ngày hay trong tuần.
8h15 - 9h: học Khoa học xã hội (Social Studies)
9h - 9h45: học ngoại ngữ
9h45 - 11h15: học Ngữ văn/English Language Arts
Trong 90 phút hay minutes block này sẽ học đọc (phonics and reading), và học cả viết/ngữ pháp (reading and writing workshops).
11h15 - 11h45: ra chơi trong nhà hoặcngoài trời
Nếu trời tạnh, ấm (không dưới 50°F tức 10°C) thì chơi ngoài trời. Nếu chơi trong lớp học thì là chơi trên máy tính, hay ngồi vẽ, nói chuyện, xếp hình...
11h45 - 12h15: ăn trưa
Trưa đến chiều
12h15 - 12h30: đọc sách
Học sinh có thể tự đọc (independent reading), hay cô đọc cho cả lớp nghe (read-aloud). Cô có thể chọn đọc những truyện có chương hồi phù hợp với từng lứa tuổi.
12h30 - 1h: học môn Khoa học tự nhiên (Science)
1h - 1h45: học môn phụ/Specials : Có thể là thể dục, nhạc, họa...
1h45 - 2h45: học Toán/Math
2h45 - 3h: chuẩn bị ra về/Dismissal
Lúc này, các bạn viết về ngày của mình (những gì mình thích trong ngày, điều gì mình học thấy hay...) trong cuốn Agenda, viết lại điểm đạo đức cô cho trong ngày (ngoan, không ngoan, làm gì sai...), rồi ra lấy cặp, đợi xe buýt hoặc xe bố mẹ đến đón.
Chiều đến tối
3h - 5h30 (hoặc 6h): sinh hoạt xế chiều : Có thể đi tập thể thao, về nhà chơi, làm bài tập, đi học ở trung tâm.... hoặc ở lại học lớp phụ đạo. Những bạn đi học ở trung tâm như Kumon hay học gia sư rất ít, chỉ khoảng 2-3 bạn/lớp.
6h~8h30 (hoặc 9h): ăn tối và làm bài tập nếu có : Ăn tối xong có thể xem tivi, đọc sách, chơi máy tính hay làm bài trên máy tính (với sự đồng ý của cô và bố mẹ). Bài tập thì chỉ 1-2 trang, nhiều khi chỉ là 1-2 câu hỏi hay phép toán. (Xem cụ thể về bài tập về nhà trong link kèm bài viết.)
Sau 9h: đi ngủ
Cũng có gia đình bận việc, hoặc bố mẹ đi làm ca kíp về muộn thì đi ngủ muộn hơn. Nhưng chuyện ngủ muộn, đặc biệt sau 11h khuya là hãn hữu. Vì các bạn từ lớp mẫu giáo trở lên không có giờ ngủ trưa nên đương nhiên tối sẽ buồn ngủ sớm.
Cuối tuần
Rất ít khi cô giao bài tập vào ngày thứ sáu, cuối tuần học sinh hoàn toàn được đi chơi với gia đình và bạn bè hay tập luyện thể thao, chơi trò chơi các bạn thích. Đại đa số học sinh chọn chơi một môn thể thao nào đó, rất hiếm bạn tập đàn hay vẽ…
Các bố mẹ hãy đừng có đặt quá nhiều kỳ vọng vào con. Như thế có thể là bắt con sống theo lời mong ước của bố mẹ chứ không phải sống theo nguyện vọng của con. Hãy thực tế hơn một chút, đặt con vào đúng vị trí và hoàn cảnh. Không phải ai cũng có thể đủ tiền cho con đi du học. Không phải đứa trẻ nào cũng cần vào trường nọ lớp kia để thực hiện những ước mơ của chúng. Giờ đây thế hệ trẻ đã quá giỏi so với chúng ta ngày xưa, biết nhiều hơn.
Tôi luôn nghĩ học ở đâu có thể không quan trọng bằng thái độ đối với việc học. Cái chính là ở bản thân đứa trẻ, nnếu đã giỏi thì ở đâu cũng giỏi. Không nên một mực chạy theo phong trào hay sốt ruột quá mức. Cứ bình tĩnh mà sống và học. Đừng để giấc mơ lớn của bố mẹ đè nát cuộc đời của con!
Tác giả: Cô giáo Đinh Thu Hồng, một giáo viên đang dạy bậc tiểu học ở Hoa Kỳ.