Cá tháng Tư đến từ chữ “Poisson d’Avril” trong tiếng Pháp. Tiếng Anh thì gọi là April Fools Day, tức ngày của người ngốc. Nguồn gốc ngày này tuy mơ hồ, nhưng có một giả thuyết được khá nhiều người tạm cho là… đáng tin.
Ở bên Pháp, đến ngày 1 tháng Tư trẻ em cắt vẽ những con cá trên giấy, tô màu cho chúng đẹp đẽ, xong lựa lúc người lớn không để ý lén dán con cá lên lưng áo họ xong hô lên: “Poisson d’Avril!!” rồi ù bỏ chạy. Khi đó nạn nhân mới phát hiện mình bị “dính” Cá tháng Tư – tức bị lừa. Nhiều người cho rằng trò đùa vô hại này bắt đầu vào khoảng thế kỷ 16, dưới đời vua Charles IX.
Thuở xa xưa dân Gô Loa, như nhiều dân tộc khác khắp nơi trên trái đất, ăn mừng năm mới vào đầu mùa Xuân. Tại Bắc bán cầu nơi người Pháp sinh sống thì mùa Xuân bắt đầu vào khoảng ngày 1 tháng Tư trong cuốn lịch Julien mà họ dùng từ thời La Mã. Năm 1564 vua Charles ra nghị quyết ‘Edict de Rouissillon’, đổi sang dùng lịch Gregorien và do đó 1 tháng Giêng trở thành ngày đầu năm. Do đó lễ lạt ăn mừng năm mới cũng bị dời theo. Tuy nhiên, như bất kỳ trong xã hội nào, vẫn có một “thiểu số ngoan cố” không ưng thay đổi. Họ cứ tiếp tục ăn mừng vào đầu tháng Tư như chưa có chuyện gì xảy
ra. Kệ tía nhà vua chớ!
Thôi thì ai thích nhậu lúc nào cũng đặng, nhưng mắc mớ gì lại có cá vô đây? Theo một giả thuyết khác thì lý do có cá là vì cuối tháng Ba thường cũng là Mùa Chay (Lent) trong lịch của Giáo Hội La Mã. Vào mùa này người theo đạo Thiên Chúa (tức đa số dân Pháp thời bấy giờ) phải kiêng thịt vào ngày thứ Sáu mỗi tuần, nhưng vẫn được ăn cá. Ngoài ra cá còn là món quà dân Gô Loa hay tặng nhau vào dịp đầu năm, tức ngày 1 tháng Tư. Do vậy khi năm mới được đổi sang 1 tháng Giêng, những người theo tân trào hay châm chọc những người bám víu vào cuốn lịch cũ là “khùng” (fools). Tục vẽ cá giấy dán lên lưng những kẻ ngoan cố có lẽ bắt đầu từ đó.
Truyền thuyết là vậy, nhưng độc giả tin hay không thì tuỳ. Ðã gọi là Cá tháng Tư thì khó biết đâu là tin thiệt, đâu là… tin thất thiệt hén! Nhưng chắc chắn một điều là tục làm trò đùa để chơi nhau vào ngày Cá tháng Tư giờ đây đã lan sang Anh Mỹ và tràn ra khắp nơi trên thế giới, kể cả xứ Ðông Lào của ta tuy chưa phổ biến như ở trời Tây.
Vào ngày April Fools’ Day, trẻ con ở Mỹ tuy không vẽ cá giấy nhưng chúng cũng bày ra những trò đùa (tương đối) vô hại khác để nhạo cha mẹ hay thầy cô. Và dĩ nhiên cha mẹ và thầy cô đâu phải vừa; họ cũng nghĩ ra đủ cách để chơi lại con nít. Rồi đến người lớn cũng bày những trò đùa (prank) để chọc giỡn nhau trong công sở hay chỗ làm việc. Bạn chỉ cần vào Google gõ chữ “April Fools Day pranks” là sẽ tìm ra hằng hà sa số những trò đùa thiên hạ đã chế ra để xí gạt, chế nhạo hay chọc quê bạn bè và người quen. Với đà phát triển của công nghệ thông tin, cộng thêm sự lan toả của mạng xã hội, những trò đùa ngày Cá tháng Tư ngày càng tinh xảo và hiện đại hơn.
Giới truyền thông xưa nay nổi tiếng là mang tội “tuyên truyền chống phá sự ngây thơ của người khác” nặng nhứt vào ngày Cá tháng Tư. Các đài radio, TV thường hay tung tin vịt để lừa thiên hạ. Dĩ nhiên sau đó họ phải hô lên “April Fools!!!” để bà con tẽn tò chơi. Nhưng nhiều tin vịt nghe “hạp nhĩ” quá đâm ra nhiều người cứ tưởng thiệt. Như cách đây vài năm một cộng tác viên của Trẻ đã “chế tác” một bản tin đại khái nói rằng người Mỹ gốc Việt đang lãnh trợ cấp SSI nếu chịu trở về Việt Nam sống luôn, sẽ được lãnh mấy chục ngàn đô từ chính quyền. Bà con ta tưởng bở, hỏi thăm thông tin tới tấp để aply. Báo hại “nhà báo” nọ phải lên tiếng đính chánh tin đó chỉ là tin… Cá tháng Tư! Khổ thế đấy…
Nhưng nổi tiếng nhất trong tất cả là đoạn phim dài 3 phút của đài BBC vào năm 1957, về vườn cây spaghetti tại vùng Ticino, Thuỵ Sĩ, giáp ranh với nước Ý. Nhờ một mùa Ðông tương đối ấm và loài sâu ăn spaghetti đã bị tiêu diệt, vụ thu hoạch năm ấy rất được mùa. Y như một cuốn phim phóng sự điển hình, người xem được cho thấy cảnh những bầy ong đang bay lượn trên các cành hoa spaghetti, cảnh các cô các bà đang hái spaghetti từ cây xuống, được nghe giải thích tường tận cách trồng, cách chăm bón, thậm chí phương pháp gia truyền để cho tất cả những cọng spaghetti đều có một độ dài giống nhau v.v. Giọng người thuyết minh cũng rất điềm đạm và chuyên nghiệp, khiến mấy trăm “nạn nhân” đã phải gọi điện thoại vô đài hỏi xem nơi nào có bán cây spaghetti để họ… mua về trồng thử! Nhân viên đài BBC đã trả lời kiểu vô cùng phớt tỉnh Ăng-lê rằng người dân có thể cắm một cành cây spaghetti vào lọ sốt cà chua và nuôi… hy vọng!
Mỗi năm sau đó BBC tiếp tục cho ra những mẩu tin Cá tháng Tư tương tự, và năm nào cũng có vô số người mắc nỡm. Như tin tháp Big Ben danh tiếng hơn 150 tuổi sẽ được thay bằng đồng hồ số (digital) để tiết kiệm tiền bảo trì – và vì thế hệ trẻ ngày nay không còn biết coi giờ kiểu cũ nữa! Dân Pháp cũng nhẹ dạ không kém. Năm 1986 báo Parisien loan tin nhà nước sẽ cho tháo dỡ tháp Eiffel và dời nó sang Disney Euro để xây một sân banh 35,000 chỗ thế vào. Thế là cả nước đùng đùng nổi xung, đòi đem tổng thống Pháp ra … tùng xẻo!Còn bên Mỹ thì năm 1996 chuỗi tiệm fast food Taco Bell, chuyên bán đồ ăn kiểu Mễ, thông báo họ đã mua chiếc chuông đồng Liberty Bell tượng trưng cho nền độc lập của Hoa Kỳ và đặt tên lại cho nó là Taco Liberty Bell! Khỏi phải nói, không biết bao nhiêu là người dân Mỹ đã điên tiết, lồng lộn, thiếu điều muốn xách súng xuống đường để … nói chuyện phải trái. Cú marketing ngoạn mục này đã thổi phồng tên tuổi Taco Bell. Công ty hốt được bộn bạc, và sau đó đã tặng lại 50,000 đô la cho quỹ bảo trì Chuông Tự Do tại thành phố Philadelphia.
Dĩ nhiên những thứ trên chỉ là tin đùa (joke) kiểu “vui thôi mà” chứ không ác ý, rất khác với fake news thời nay được lan truyền để gây hại đủ kiểu. Còn ở Việt Nam ta, ngày xưa cũng có khối người bị xí gạt bởi một một thứ nghe rất hấp dẫn và khoa học mà cho tới bây giờ cả nước vẫn chưa thoát ra được. Ai đoán đúng đó là chủ nghĩa gì sẽ được một năm báo Trẻ hoàn toàn miễn phí.
Poisson d’Avril!!!