About Me

header ads

Thạc sỹ Quản Trị Kinh Doanh - TẤM HỘ CHIẾU CHO SỰ THÀNH ĐẠT

Thực tiễn hơn 100 năm qua, kể từ khi thành lập những trường kinh doanh đầu tiên ở Mỹ, tấm bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA – Master of Business Administration) đã ngày càng chứng tỏ thực sự là một “tấm hộ chiếu” cho sự thành đạt của tuổi trẻ. Hiện nay, một phần ba số giám đốc điều hành trong 500 công ty lớn nhất của Mỹ là những người đã lấy bằng MBA từ 20 trường có đào tạo MBA tốt nhất của họ. Tình hình ở Châu Âu cũng tương tự như vậy. Ngoài ra, bằng MBA cũng là tấm hộ chiếu để nhận được những công việc hấp dẫn ở ngân hàng đầu tư và công ty tư vấn, những nơi đã từng thu nhận đến gần 50% sinh viên có bằng MBA. Có lẽ Harvard là trường có chương trình MBA nổi tiếng nhất. Người ta ước tính, 800 sinh viên lấy bằng MBA ở Harvard năm 1991 sẽ có mức lương trung bình khởi điểm là 80.000 USD / năm. Nói chung, sau 21 tháng học tập theo kiểu chạy marathon 60 giờ / tuần, những SV có bằng MBA ở Mỹ có thể tăng gấp đôi mức lương của họ so với mức lương trước khi vào học, đạt trung bình 60.000USD / năm.


Chính vì vậy, chỉ riêng năm 1990, khoảng 700 trường Quản trị kinh doanh ở Mỹ đã cấp trên 75.000 bằng MBA, chiếm một phần tư tổng số các loại bằng thạc sĩ đã cấp trong năm.

Ở Thái Lan, theo số liệu của bộ “Các trường đại học”, năm 1988 có đến 11 trường trong tổng số 16 trường lớn thuộc Nhà nước có đào tạo các lĩnh vực có liên quan đến Quản trị kinh doanh. Năm 1985, trong tổng số 3.089 sinh viên lấy bằng thạc sĩ ở tất cả các lĩnh vực chuyên môn khác nhau ở các trường này, có đến 472 bằng MBA, chiếm tỷ lệ hơn 15%, trong khi đó chỉ có 161 bằng thạc sĩ về các lĩnh vực kỹ thuật, chiếm tỷ lệ khoảng 5,4%. Đặc biệt, ở khu vực 26 trường tư của họ, phần lớn chương trình đào tạo bậc đại học và thạc sĩ đều có liên quan đến lĩnh vực Quản trị kinh doanh. Như vậy, nhu cầu về đào tạo Quản trị kinh doanh nói chung và MBA nói riêng là rất lớn trong những điều kiện của nền kinh tế thị trường.

Chi phí về đào tạo cũng hết sức đắt. Ơ những trường tốt nhất của Mỹ, riêng học phí cho khoảng 21 tháng học chương trình MBA thường là trên 30.000 USD. Ngay ở Thái Lan, chi phí cho học MBA ở viện GIBA (Graduate Institue of Business Administration) thuộc Đại học Chulalongkorn cũng đã đến 17.000 USD. Trong năm 1991, ở Tokyo Nhật Bản, có tổ chức một lớp đào tạo ngắn hạn 2 tuần về quản lý kỹ thuật với lệ phí cho những người tham dự là 8.000 USD / người.

VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO MBA

Thạc sĩ, hay như tên thường gọi ở Việt Nam : “cao học”, là một cấp đào tạo sau cử nhân, phổ biến ở nhiều nước có hệ thống giáo dục tương tự như hệ thống giáo dục ở Mỹ. Thời gian học thường kéo dài từ một năm rưỡi đến hai năm. Cấp đào tạo này thường hướng vào việc đào tạo những Nhà chuyên môn có kỹ năng nghề nghiệp cao, cập nhật hóa được những kiến thức mới nhất có liên quan và có khả năng áp dụng vào thực tế để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hiện tại cũng như có khả năng thích ứng với những nhu cầu trong tương lai còn chưa xác định được đầy đủ. chương trình cao học thường được thiết kế một cách mềm dẻo, uyển chuyển, có thể có trên 50% số môn tự chọn, sao cho thích hợp được với nhu cầu của từng cá nhân, thích hợp với nhu cầu của người muốn đi sâu hơn vào một số chuyên môn đã học ở đại học của mình, nhu cầu của nguời muốn mở rộng chuyên môn sang các lĩnh vực liên ngành và cả nhu cầu của người muốn chuyển sang một lĩnh vực chuyên môn khác.

Chương trình cao học thuờng bao gồm nhiều môn học và một “luận án” (thesis) “một tiểu luận” (research study) hay “một báo cáo chuyên đề” (special study) với số “tín chỉ” bằng khoảng 10% - 40% của tổng số “tín chỉ” yêu cầu. Tuy nhiên, luận án hay tiểu luận ở đây không nhất thiết phải có “ít nhiều đóng góp khoa học” như yêu cầu thường có trong một luận án phó tiến sĩ chẳng hạn. Ở Thái Lan, tỷ lệ số người lấy bằng tiến sĩ trên tổng số người lấy bằng thạc sĩ trong các năm 1982 -1986 chỉ xấp xỉ trên dưới 1%. Ở Mỹ, số người nhận bằng thạc sĩ hàng năm vào khoảng 30% số người nhận bằng cử nhân. Như vậy, có thể cho rằng, phần lớn bằng thạc sĩ mang nặng “màu sắc” của một “văn bằng“ để “hành nghề” như là bằng kỹ sư hơn là một văn bằng mang nặng “màu sắc học vị khoa học” như là một phó tiến sĩ hay tiến sĩ.

Về chương trình MBA, có thể xem đây là một nhóm chương trình đào tạo có liên quan nhau và có tính chất liên ngành. Ở trường Quản trị kinh doanh thuộc Đại học Georgia của Mỹ, dưới một tên chung MBA có rất nhiều chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành như Kế toán, Tài chính Công ty và Quản lý tài chính, Ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, Quản lý đầu tư, Kinh tế học cho quản lý, Bảo hiểm và quản lý rủi ro, Quản lý sản xuất, Quản lý tài nguyên lao động, Máy tính ứng dụng trong kinh doanh, Hệ thống trợ giúp ra quyết định, Quản lý thương mại, Ngoại thương v.v…

Ở Đại học Georgia có hai loại chương trình MBA. Loại thứ nhất là “chương trình MBA hai năm” chủ yếu dành cho những người có bằng đại học không thuộc hệ kinh doanh (non-business bacccelaureate degree holders) và loại “chương trình MBA một năm rưỡi” dành cho những người đã có bằng đại học thuộc hệ kinh doanh. Điều kiện tiên quyết để vào học cho cả hai chương trình này chỉ là một số kiến thức và kỹ năng tính toán (caculus). Ở trường Quản lý (SOM - School of Management) thuộc viện Công nghệ Châu Á ở Bangkok, Thái Lan, trong số 31 sinh viên vào học khóa đầu tiên năm 1989 có 18 sinh viên là các kỹ sư công chánh, cơ khí, điện, hoá học, kỹ thuật công nghiệp v.v… chiếm tỷ lệ 58%, có 6 sinh viên đã tốt nghiệp đại học thuộc các lĩnh vực khoa học như toán thống kê, điện toán, vật lý, sinh vật v.v…chiếm tỷ lệ 19% và 7 sinh viên đã tốt nghiệp đại học thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội như kinh tế học, thương mại, ngoại thương v.v... chiếm tỷ lệ 23%. Với khóa tiếp theo, năm 1990, các tỷ lệ trên là 55%, 13% và 32%. chương trình MBA 20 tháng ở đây nhấn mạnh các môn học trong lĩnh vực “quản lý công nghệ” (Management of Technology). Ở Viện Công nghệ Châu Á còn có khoa “Kỹ thuật công nghiệp và quản lý” (Industrial Engineering and Management) với chương trình đào tạo thạc sĩ nhấn mạnh các môn học định lượng trong quản lý công nghiệp như khoa học quản lý, quản lý sản xuất, thống kê, kinh tế học và máy tính ứng dụng.

Như vậy, do những yêu cầu trong quản lý kinh tế hiện đại, do tính chất đa dạng và liên ngành của MBA, do quan hệ cung cầu (nghề chuyên môn) trong điều kiện của kinh tế thị trường, chương trình MBA thường được thiết kế rất uyển chuyển nhằm đáp ứng được yêu cầu đa dạng của nghề nghiệp cũng như yêu cầu chuyển đổi và mở rộng phạm vi nghề nghiệp.


CÁC XU THẾ ĐÀO TẠO CHUYÊN GIA QUẢN LÝ KINH TẾ

Có lẽ nước Mỹ là một nơi điển hình có xu thế xem việc đào tạo kiểu MBA là một phương thức chính yếu trong việc đào tạo các chuyên gia về quản lý kinh tế. Ở đấy, những năm 80 là thời kỳ “bùng nổ” của phương thức đào tạo MBA. Năm 1980, 4 trong 5 sinh viên năm thứ nhất của chương trình MBA là những người vừa mới tốt nghiệp đại học.

Gần đây, trong tình hình kinh tế trì trệ ở Mỹ, nhất là sau vụ đổ vỡ thị trường chứng khoán vào tháng 10 năm 1987, người ta mới bắt đầu hoài nghi về hiệu quả của việc đào tạo MBA. Có nhiều công trình nghiên cứu khảo sát đã được thực hiện. Phần lớn các kết luận có liên quan chủ yếu đến chương trình - nội dung đào tạo chứ chưa đề cập đến phương thức đào tạo

Ở đây chưa đề cập đến vấn đề chương trình - nội dung đào tạo.

Trong khi đó, ở Nhật Bản, với những đặc thù về tổ chức kinh tế, xã hội, văn hóa của mình, “người Nhật không tin vào khái niệm về nhà quản lý tài năng và trẻ tuổi”. Họ cho rằng, muốn trở thành “người bay cao” (would-be-high-fliers) phải làm việc cực nhọc và đợi đến phiên của mình hơn là chuyển đổi công việc để hy vọng đuợc đề bạt nhanh hơn”. Do đó, tuổi trung bình của những người bắt đầu chức vụ quản lý cấp thấp trong các công ty Nhật phải đến độ tuổi 32 – 34. Ở Nhật Bản trước đây gần như không có mấy trường chuyên đề kinh doanh và không có đào tạo MBA. Họ thường đào tạo chuyên gia quản lý qua dạng đào tạo tại chức (on-job training) và luân phiên công việc là một quy tắc. Tuy nhiên, cần lưu ý là 9 trong số 10 Nhà quản lý ở Nhật có bằng cấp đại học và người dân Nhật có trình độ rất cao ở phần giáo dục cơ bản.

Gần đây ở Nhật Bản đã xuất hiện hai khuynh hướng mới. Thứ nhất là có rất nhiều sinh viên Nhật nộp đơn xin vào học ở các trường đào tạo MBA. Năm 1991 có đến 5% số sinh viên nộp đơn xin vào các trường kinh doanh ở Mỹ là sinh viên Nhật. Ơ một số trường, tỷ lệ trên đạt đến 10%. Phần lớn số sinh viên được công ty Nhật trợ giúp về mặt tài chính. Để giải thích nguyên nhân của hiện tượng trên, Giáo sư Tadashi Amaya ở truờng Đại học Kỹ thuật Teikyo cho rằng: “Họ đã nhận thấy nhu cầu về một loại hình mới của Nhà quản lý để dắt dẫn các công ty Nhật bước vào thế kỷ sau, Nhà quản lý kiểu chủ hãng (“Entrepreneurtype” manager).

Khuynh hướng thứ hai là việc mở ra các chương trình MBA trên chính nước Nhật. Trường kinh doanh Keio (Keio University’s Graduate School of Business ) năm 1978 đã mở ra chương trình MBA - 2 năm do đại học Harvard trợ giúp và có kiểu cách rất gần với các trường phái đào tạo ở Mỹ. Mỗi năm, trường đại học Keio đào tạo 85 sinh viên MBA và phần lớn họ đang ở độ tuổi 30. Vị trưởng khoa của Nhà trường, Noritake Kobayashi, dự đoán sẽ có những cải cách lớn trong giáo dục về quản lý ở Nhật Bản trong những thập niên 90 này và nói: “Chúng tôi phải học tập các Nhà giáo dục về quản lý ở phương Tây”. Một số trường đại học khác ở Nhật cũng đã đưa ra nhiều chương trình đào tạo ở dạng các khoá học kiểu thực hành (executive courses) ngắn hạn kéo dài đến 1 năm và chương trình MBA-2 năm tại chức (part-time).

Người ta nói rằng, “phải chăng một cuộc hôn nhân đang được sắp xếp?” và các giáo sư về quản lý ở phương Tây và Nhật Bản đang cùng nhau leo lên một chiếc giường nhưng với một thái độ còn đang băn khoăn, do dự. Tuy nhiên, giữa Mỹ và Nhật, từ năm 1988, cũng đã có một chương trình đào tạo MBA – 2 năm liên doanh giữa các trường “Dartomouthe’s Amos Tuck School” và “The International University of Japan (IUJ)”. chương trình đuợc đánh giá là có kết quả tốt và năm 1991 họ đã có thêm được 60 sinh viên mới.

ĐÀO TẠO MBA Ở VIỆT NAM

Trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay, nhu cầu đào tạo lại và đào tạo mới đội ngũ chuyên gia về quản lý kinh tế là một vấn đề mà có lẽ mọi người đều đã nhận thức được một cách hết sức rõ ràng. Để đáp ứng nhu cầu đó, có thể có một loạt các câu hỏi phải được đặt ra như là:
Phương thức đào tạo lại cho những đối tượng khác nhau?
Số lượng, cơ cấu và phương thức đào tạo mới?
Đội ngũ thầy giáo và người thực hiện đào tạo (Trainers)?
Lựa chọn nội dung đào tạo như thế nào để tránh được những nhược điểm mà các nước đã gặp phải, đáp ứng được nhu cầu trong tình hình kinh tế thế giới hiện nay cũng như những năm sắp đến, nhanh chóng tiếp thu được những thành tựu khoa học và kinh nghiệm của các nước?
Những ưu tiên đào tạo?
Các biện pháp thực thi? v.v...


Đây là những câu hỏi vượt ra ngoài khuôn khổ của bản tham luận này. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nêu lên một vài ý kiến thô thiển bước đầu có liên quan đến việc đào tạo MBA ở Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng.

1. Hiện nay chúng ta đã có Quyết định của hội đồng Bộ trưởng về việc mở rộng hệ đào tạo cao học trong hệ thống giáo dục quốc dân (QĐ số 55/HĐBT ngày 9-3-1991). Nhiều trường đại học cũng đã tổ chức việc đào tạo cao học từ một số năm về trước, trong đó có đào tạo MBA. Phải chăng chúng ta cần mạnh dạn hơn và ưu tiên hơn trong việc mở ra các chương trình đào tạo chuyên ngành khác nhau về MBA. Đề nghị này trước hết xuất phát từ những phán đoán “có tính chất cảm tính” về sự hụt hẫng ở phía “cung” trong quan hệ cung – cầu nguồn lao động quản lý trong cơ chế thị trường những năm sắp đến và đây là khâu yếu nhất hiện nay trong việc đảm bảo sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, nó cũng xuất phát từ ý thức rằng, văn bằng MBA chủ yếu là một văn bằng để “hành nghề” - nhưng là một nghề rất hấp dẫn như đã nói ở trên và với những cố gắng hợp lý chúng ta vẫn có thể đảm bảo chất lượng ở một mức độ nhất định.

2. Sự lo lắng về chất lượng đào tạo MBA của những người có trách nhiệm là hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, thậm chí chúng ta có thể xem đây là “một giải pháp tình thế”, “có còn hơn không” và trong lĩnh vực đào tạo này, đặc biệt là trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, chất lượng đào tạo cho dù có thấp đi nữa cũng vẫn góp phần nhất định trong việc cải thiện tình hình. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, các chương trình có chất lượng thấp sẽ tự nhiên bị đào thải dưới tác động của những quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường.

Đấy là những giả định bi quan nhất. Còn chúng tôi, chúng tôi vẫn nghĩ rằng, hiện nay chúng ta đã có những chương trình tài trợ quốc tế đa phương và song phương về đào tạo, đã có nhiều quan hệ quốc tế, có nhiều giám đốc - chuyên gia người nước ngoài đang làm việc ở các công ty liên doanh, nguồn tài liệu đã khá phong phú, đã và sẽ có một số cán bộ có văn bằng MBA, đang có một số chuyên gia có kinh nghiệm đã được đào tạo trước đây, có một đội ngũ thầy cô giáo trẻ biết ngoại ngữ và đang hăm hở đổi mới - nâng cao những kiến thức của mình. Nếu chúng ta biết tổ chức, biết đãi ngộ, có lẽ chúng ta vẫn có thể có được những chương trình MBA có chất lượng vừa phải để đáp ứng cho những nhu cầu trước mắt.

3. Cần đa dạng hoá việc đào tạo MBA, cả từ phía các tổ chức đào tạo, hình thức đào tạo, cơ cấu và loại hình chương trình , các chuyên ngành cho đến tổ chức chương trình , tính chất của chương trình - mức độ khoa học định lượng trong nội dung đào tạo v.v... Ở đại học Chulalongkorn của Thái Lan, chương trình MBA cũng được tổ chức ở các khoa thương mại và kế toán, khoa kinh tế và ở cả viện GIBA. Ở Pháp, năm 1989, viện INPG (Institue National Polytechnique de Grenoble) và cũng đã phối hợp với đại học USSG (Université de Sciences Sociales de Grenoble) mở trường đào tạo “Kỹ sư công nghiệp” với nội dung đào tạo thiên về khoa học quản lý và kinh tế trong công nghiệp.

Ngoài ra, do những hoàn cảnh lịch sử nhất định, ở nước ta hiện nay đang có một tình hình là: có rất nhiều kỹ sư có tiềm năng vốn tốt nghiệp ở các trường kỹ thuật nhưng lại đang hoạt động nghề nghiệp quản lý ở các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý kinh tế thuộc Nhà nước . Do đó, việc đào tạo MBA cho những đối tượng này đã thực sự là một nhu cầu cấp bách. Vả lại, đây cũng là một trong những phương thức đào tạo chuyên gia quản lý có hiệu quả đã được thực hiện ở nhiều nước hiện nay.