Bản chất và tính cách của người Việt và người Hoa
Hình như từ khi có người Việt thì đã có người Hoa rồi (Ảnh minh họa) |
Theo sử sách Trung Quốc thì Việt cũng từ Hoa mà ra, từ Trung Quốc di cư về Nam, hoặc là người Minh là những kẻ thua cuộc, lánh nạn nhà Thanh mà ồ ạt đến Việt Nam.
Chẳng lấy làm lạ, không ở đâu là vắng bóng người Hoa, đến đỗi người ta nói: “Ở đâu có khói, thì ở đó có người Hoa!” Và ở đâu, họ cũng làm nghề buôn bán, từ lớn như một cửa hàng tạp hóa hay vải vóc, đến một xe mì gõ, một gánh chè “lục tào xá,” gánh ve chai hay một bình lạc rang. Thời thơ ấu, ở một tỉnh nhỏ miền Trung, tôi vẫn thường nghe cha mẹ nói đến việc người Hoa buôn bán ngay thẳng, không gian lận, giả dối, biết giữ chữ tín.
Người Việt Nam, tuy vì hoàn cảnh xã hội, phải sống chung với các sắc dân khác, nhưng không bỏ dược tinh thần kỳ thị, có khi mình không hơn ai nhưng vẫn tỏ ra lòng khinh rẻ người khác. Tây Mỹ hay dân tộc thiểu số đều được gọi bằng “thằng,” thằng Tây, thằng Mỹ, thằng Mọi “cà lơ.” Đen thì ví là “cột nhà cháy,” trắng thì gọi là “bạch quỷ,” mũi người ta cao hơn mình thì gọi là “thằng mũi lõ.”
Đối với người Hoa, dù đã sống đời trên đất Việt từ lâu, vẫn bị gọi là Chú Chệt, Ba Tàu. Cứ nhìn qua các thành ngữ hay văn chương bình dân, chúng ta thấy người Việt ít có lòng tôn trọng đối với người Hoa. Nói bậy thì gọi là “nói Tiều nói Quảng,” tử tế, đàng hoàng thì bị chê là “quân tử Tàu,” nói loanh quanh thì bị cho là “vòng vo Tam Quốc,” trước sau bất nhất thì bị coi là “đầu Ngô, mình Sở,” mỉa mai hơn nữa là thành ngữ “dáo Tàu đâm Chệt…”
Cách đây một thế kỷ, người Hoa ở Việt Nam còn nói tiếng Hoa, giữ phong tục của họ như tục phụ nữ bó chân, đàn ông đuôi sam. Tuy có buôn bán sinh hoạt với người Việt nhưng người Hoa có hệ thống sinh hoạt cộng đồng riêng biệt chặt chẽ, như bang, hội, có trường học, rạp hát, đình chùa mang bản sắc Trung Hoa, các bảng hiệu, tiệm buôn mang đầy chữ Hán.
Người Hoa và Người Việt có ghét nhau?
Bản sắc người Hoa ở Việt Nam phai nhạt dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, khi chỉ một tháng sau ngày nền Cộng Hòa được thành lập, thủ tướng đã ban hành Dụ số 10, tiếp theo sau đó là Dụ số 48 quy định về Bộ Luật Quốc Tịch Việt Nam. Trong đó, điều 12 ghi rõ: “Tất cả những ai gốc Hoa sinh ra ở Việt Nam đều bắt buộc phải nhập Việt tịch, để được có quyền lợi và nghĩa vụ của công dân Việt Nam, hoặc nếu không chịu nhập tịch thì có thể xin hồi hương (về Đài Loan) trước ngày 31 Tháng Tám, 1957.” Điều này có nghĩa là từ đây, người Hoa cũng phải đóng góp xương máu để bảo vệ miền Nam.
Người Hoa phải Việt hóa tên họ, kể cả bí danh, trong những văn kiện chính thức. Tên hiệu các cơ sở thương mại, văn hóa, phải được viết bằng Việt ngữ.
Dụ 53 chỉ định chín nghề huyết mạch của nền kinh tế, mà ngoại kiều, hay các hội xã, công ty ngoại quốc không được hoạt động.
Phản ứng lại, các thế lực Trung Hoa trong và ngoài nước tẩy chay sản phẩm Việt Nam, và cả hàng hóa Mỹ ở Việt Nam, người Hoa ồ ạt rút hết tiền ký thác trong các ngân hàng, đồng tiền Việt Nam bị mất giá thị trường chứng khoán Hồng Kông, Hồng Kông từ chối nhận 40,000 tấn gạo mặc dù đã ký hợp đồng từ trước.
Không phải riêng Việt Nam, tại các nước Đông Nam Á, người Hoa ở đâu cũng dùng sức mạnh đồng tiền để thao túng thị trường, chuyên hối lộ và khuynh đảo các viên chức hành chánh tham nhũng, đóng thuế cho cả hai bên để thủ lợi và được yên thân.
Đến cuối năm 1974, người Hoa ở miền Nam Việt Nam kiểm soát hầu hết các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện… và gần như độc quyền thương mại, xuất nhập cảng.
Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, khi đất nước thống nhất, Chợ Lớn là nơi tập trung nhiều người Hoa, cuối cùng người Hoa cũng dần đồng hóa với người Việt, nhiều người gốc Hoa, nhưng không nói nổi một câu tiếng Tiều, tiếng Quảng.
Người Hoa tại Việt Nam trở thành công dân Việt, được gọi là “người Việt gốc Hoa” từ đó cũng làm bổn phận công dân, đóng thuế, đi lính.
Bản chất của mỗi con người từ lúc sinh ra không phải xấu, như nước từ nguồn hay nước sông biển. Xấu là vì nước đó nằm trong chai Trung Quốc hay lọ Việt Nam.
Người Hoa, dưới sự phán xét của bạn, họ có đáng ghét không?
Collect & Posted by
Nguyen Ba Dat • Business Development ExecutiveViện Xúc Tiến Phát Triển Giáo Dục Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620Email: dat.nguyen@edunet.vn
Nguyen Ba Dat • Business Development Executive
Viện Xúc Tiến Phát Triển Giáo Dục Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620
Email: dat.nguyen@edunet.vn