About Me

header ads

Người Đức dạy học sinh sử dụng mạng xã hội như thế nào?

Đức hiện là quốc gia đi đầu thế giới trong việc giáo dục kỹ năng khi tham gia mạng xã hội cho học sinh, bên cạnh việc đào tạo các kỹ năng sống

Hiện tại, số người sử dụng Internet, tham gia các trang mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Twitter, WhatsAp… ngày càng tăng. Trong đó, thành phần tham gia chủ yếu là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Đây cũng là lực lượng dễ bị lợi dụng bởi những nội dung tiêu cực trên mạng xã hội. Làm thế nào để giáo dục các em kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn? Câu hỏi này có lẽ đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Đức, rất nhiều trường học đã áp dụng thành công chương trình giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh.

Các học sinh lớp lớn sẽ hướng dẫn các lớp bé hơn trong việc sử dụng mạng xã hội sao cho đúng cách


2 học sinh lớp lớn đang đứng trên bục giảng, thuyết trình cho các học sinh lớp 5 về cách sử dụng mạng xã hội đúng cách. Các học sinh lớp 5 này được 2 anh chị lớp lớn dạy cách suy nghĩ về WhatsAp – một ứng dụng trên mạng mà các em vẫn sử dụng hàng ngày để trao đổi về các vấn đề trên lớp học. 

Buổi trò chuyện đã thảo luận về những chủ đề, như mối đe dọa trực tuyến, hay đâu là những nội dung nên đăng trên mạng xã hội. Buổi học diễn ra tại trường Gesamtschule Borbeck, ở thành phố Essen, phía Tây nước Đức. Đây là một phần trong chương trình giáo dục của thành phố, trong đó thanh thiếu niên đóng vai trò như những người giảng dạy cho các em học sinh cách sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả.

Một buổi thảo luận về những chủ đề hữu ích như mối đe dọa trực tuyến, hay đâu là những nội dung nên đăng trên mạng xã hội.


Để chương trình giáo dục đạt được kết quả như mong đợi, toàn bộ học sinh đến khối lớp 8 sẽ phải làm bài thi. Nếu vượt qua kì thi, các em sẽ được phép sử dụng điện thoại thông minh vào những thời điểm nhất định trong trường học. Bài thi bao gồm 10 câu hỏi trắc nghiệm, trong đó có một số nội dung như: “Nếu nhận được một bức ảnh đáng xấu hổ của bạn bè qua mạng xã hội, em sẽ làm thế nào?”. Và đáp án cần chọn, đương nhiên là “Không chia sẻ hình ảnh đó cho bất kỳ ai”.

Hơn 2/3 trẻ em từ 11 tuổi ở Đức sở hữu điện thoại thông minh, nhưng đa phần các em đều bị căng thẳng và bối rối, khi nhận được quá nhiều tin nhắn trong ngày và không biết cách xử lý chúng. 

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều học sinh trên toàn thế giới.

Em Simon Scharenberg, một học sinh của trường, cho biết: “Em nhận được cả nghìn tin nhắn mỗi ngày từ các nhóm. Chẳng hạn như nhóm em hay nói chuyện, có tên Chúng tôi thích Pizza, và điều này cũng hay làm phiền em mỗi ngày”.

Còn em Vanessa-Marie Weyer thì cho rằng, việc áp dụng những kiến thức này rất bổ ích, vì giúp các em phân biệt được những mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội: “Em nghĩ rằng người ta chỉ nhận thức được đâu là điều xấu trên mạng xã hội, khi người ta không thích nó, và từ đó chúng ta sẽ biết cách chống lại những điều xấu này. Tất cả phải cùng suy nghĩ nghiêm túc về việc này”.

Các học sinh cho rằng, những kiến thức này rất bổ ích, vì giúp các em phân biệt được những mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội.

Nhiều phụ huynh và giáo viên ở Đức cũng thiếu kỹ năng và hiểu biết trong việc sử dụng điện thoại thông minh, do đó chính quyền đã quyết định giáo dục đồng đẳng (tức là học ở bạn bè) là phương pháp hiệu quả nhất. 

Trường Borbeck có hơn 1.000 học sinh, trong đó có 32 em đang tham gia giảng dạy trong chương trình giáo dục đồng đẳng. Với chương trình này, Đức hiện là quốc gia đi đầu thế giới trong việc giáo dục kỹ năng khi tham gia mạng xã hội cho học sinh, bên cạnh việc đào tạo các kỹ năng sống. 

Chương trình giáo dục kỹ năng cho học sinh trong thời đại số được triển khai từ năm 2011, bởi các cơ quan chức năng ở bang miền Bắc sông Bavaria, Đức. Hiện 3.200 học sinh đã được đào tạo thành những giảng viên, và 1.500 giáo viên đóng vai trò là cố vấn.

Em Chantal Hueben, một học sinh lớp 12 của trường Gesamtschule Borbeck, chia sẻ với phóng viên AP: “Với chúng em, khi được tham gia đào tạo, em cảm thấy bản thân mình phải ý thức hơn nữa. Em cũng luôn tự trau dồi bản thân và giúp đỡ những người khác trong việc sử dụng Internet đúng cách”.

Dù mỗi bang ở Đức độc lập trong cách quản lý giáo dục, song hiện 11 trong số 16 bang đều đã thiết lập các chương trình giáo dục tương đồng, trong đó chú trọng tới giáo dục kỹ năng trên mạng xã hội cho học sinh. 

Người điều hành chương trình - ông Sven Hulvershorn cho hay: “Chúng tôi để các em tự đào tạo và truyền đạt các kỹ năng khi sử dụng mạng xã hội cho nhau. Có thể hiểu như các đồng nghiệp đang nói chuyện với nhau, nhưng có sự hướng dẫn và tư vấn của các chuyên gia, từ lý thuyết đến thực tế và mô hình này đã đạt được sự thành công lớn ở tất cả các trường đã triển khai”.

Hiện nay trên thế giới, nhiều nước đã đưa chương trình giáo dục an ninh mạng vào trường học như ở Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ...


Hiện nay trên thế giới, nhiều nước đã đưa chương trình giáo dục an ninh mạng vào trường học như ở Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ... Chương trình này cung cấp các kiến thức an ninh mạng cùng những nghiên cứu tiên tiến nhất cho học sinh, để các em có những kỹ năng cần thiết về thế giới mạng. Điều này vừa giúp nâng cao kiến thức của học sinh về an ninh mạng, vừa có thể giúp bảo vệ đất nước từ các cuộc chiến tranh công nghệ trong tương lai.