Nhắc đến chuyện ma, tự nhiên tôi nhớ đến chú Năm ba gác ở trọ trong chái bếp của nhà bà Chín trầu cuối xóm. Chú sống mình nên không vợ con, chí thú với chiếc xe ba gác chạy rong khắp nơi mua bán ve chai. Công việc kiếm sống cực nhọc hằng ngày như vậy nhưng chú không phải là người cộc cằn, lúc nào cũng vui cười và hay nói chuyện tiếu lâm nên bọn nhóc xóm tôi mỗi khi rảnh rỗi thường tụ tập trước chái nhà của chú. Một lần, chú kể chuyện ma có thật ngoài đời, không phải con ma trong truyện, trong phim. Chú nói: “Hôm nào chú chở cả đám đi ra Sài Gòn ghé nhà chú Hỏa (Hui Bon Hoa), rình xem con ma nhà họ Hứa”.
Sân trong biệt thự của Hui Bon Hoa ngày nay |
Do cái tính tếu tếu của chú Năm nên kể chuyện ma lại nghe mắc cười. Ma gì mà kiều diễm, là người con gái bảo bối của chú Hỏa giàu có nức tiếng. Hồi xưa, từ đời bà nội của chú đã nghe câu truyền khẩu “Ði tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa” để nói lên sự giàu sang vượt bực của hai nhà đại gia ở xứ Nam kỳ. Con cái của chú Hỏa rất đông, toàn là trai, trong đó chỉ có mỗi mụn con gái. Cô con gái chẳng may bị bệnh phong cùi, không có thuốc chữa trị, ngày càng biến chứng. Khuôn mặt đẹp ngày nào bị bạo bệnh tàn phá, chân tay lở loét, phải sống khép kín trong phòng riêng của mình. Mỗi ngày gia nhân mang thức ăn đến để trên bàn rồi lui ra. Một hôm, người gia nhân đến phòng phục dịch, chợt thấy gương mặt của cô tiểu thư thì liền té xỉu. Từ đó, chú Hỏa cho đăng báo rằng cô con gái mất tích để tránh người đời bới móc đời tư.
Kỳ thật, báo chí từng đưa ra kiến giải, chú Hỏa bí mật đưa con gái mình đến ngôi nhà nghỉ của gia đình gần nghĩa trang gia tộc khu vực ngã ba Bình Thung (Thủ Ðức). Rồi không biết người con gái kia chết khi nào nhưng chuyện ma quái bắt đầu xuất hiện được người đời đồn đại xảy ra trên tầng lầu ngay chính căn phòng mà cô con gái của chú Hỏa từng ở trước đây.
Công ty Hui Bon Hoa đầu thập niên 1950 (nay là Bảo tàng Nghệ thuật thành phố) (ảnh: Life) |
Trong câu chuyện, chú Năm khẳng định mình có duyên gặp ma. Một buổi chiều mưa lớn lúc trời nhá nhem khi dừng chiếc xe ba gác, trốn mưa dưới mái hiên căn nhà lầu của người con trai chú Hỏa cạnh bên có kiến trúc na ná ngôi nhà lớn. Chú Năm nói giọng nhát gừng cố tình làm cho lũ con nít chúng tôi khiếp đảm. “Một âm thanh kỳ dị của cơn gió vừa lướt qua chỗ chú đứng, mùi nước hoa còn thoảng trong cơn mưa sụt sùi, rồi bóng người con gái thướt tha trong chiếc xườn xám trắng, tóc ngắn tới cổ rủ xuống che toàn bộ khuôn mặt, đi tới cửa chính của toà nhà, mở cửa bước vào trong. Kỳ lạ một điều là nước mưa không làm ướt cô gái. Một lúc sau, đèn trên tầng lầu của một ô cửa sổ vụt sáng. Tiếng kéo bàn kéo ghế nghe như rên xiết trên sàn nhà, tiếng kêu la than khóc vọng ra từ ô cửa sáng”. Chú Năm trầm ngâm, nhìn đám nhỏ chúng tôi rồi trợn mắt hỏi: “Chẳng lẽ là ma?”.
Bọn con nít chúng tôi đồng thanh “xì” lên một tiếng. Thằng Tèo nói chắc nịch: “Ma quỷ chỉ hiện hình sau mười hai giờ khuya thôi, í vậy chú Năm lại còn ngửi được mùi nước hoa thơm lừng nữa chứ. Không tin tí nào!”. Tôi chen vào: “Thằng Tèo nói đúng, chứ không thì chương trình lúc 0 giờ của La Thoại Tân và Thẩm Thuý Hằng trên truyền hình đâu có kịch bản Ác quỷ hiện hình khi trăng lên. Tin không tin, đi xem mới biết. Chú hứa rồi đó nghe, hôm nào rảnh, chở cả đám ra nhà chú Hỏa, xem ma đó nha. Không thôi, chú Năm thành con ma nhà họ Hứa đó”.
Di ảnh chú Hỏa Hui Bon Hoa (Saigoncholon.blogspot) |
Chuyện phim “Con ma nhà họ Hứa” của hãng phim Dạ Lý Hương với các tài tử Bạch Tuyết, Thanh Tú, Dũng Thanh Lâm kèm theo cây hài Thanh Việt, Tùng Lâm, tôi nghe trên radio quảng cáo rùm beng sắp sửa chiếu rạp từ mấy hôm trước. Câu chuyện dựa theo giai thoại “Oan hồn Thị Hứa” từ nguồn gốc con gái chú Hỏa bị phong cùi. Do vậy khi nghe chuyện con ma nhà họ Hứa của chú Năm thì chẳng thấy sợ gì hết. Không sợ, ấy vậy mà nó lại ám ảnh tôi mất mấy đêm liền khi gió tốc mở toang cửa sổ. Bên ngoài cửa sổ trên tầng gác nhà tôi, ngó sang nghĩa địa Chà Và thấy lồng lộng những ngôi mộ nằm im dưới ánh trăng tà. Ðất thánh Chà từ lâu không còn đám ma nào chôn ở đây nữa, có chăng một đám ma nghèo, vợ của ông già người Việt trông coi đất thánh, mồ còn mới. Hàng xóm nói bả chết vì bệnh phong cùi. Nghe mà tội nghiệp! Sao chuyện bệnh phong cùi này trùng với chuyện ma của chú Năm quá vậy
Ba người con trai (Thắng Thiên, Thắng Chánh và Thắng Hưng con của chú Hỏa (Nguồn: Saigoncholon.blogspot) |
Tôi nhớ chú Năm kể, chú Hỏa gốc người Quảng Châu di cư sang Sài Gòn ngay sau khi Pháp chiếm Sài Gòn. Lúc mới đến đất lạ quê người còn nghèo lắm, phải kiếm sống bằng cái gánh ve chai. Ông rảo bước khắp phố phường mua đồ đồng nát. Một lần mua được mớ tĩn nước mắm trong góc bếp nhà nọ, trong đó có một tĩn hàn kín nắp sành. Khi về mở ra thì ôi thánh Quan Công ơi, một tĩn vàng sáng chói. Nhờ có của trời cho làm vốn, chú Hỏa chuyển nghề mở các tiệm cầm đồ. Thời buổi bấy giờ, ở Sài Gòn nghề cầm đồ làm ăn phát đạt lắm. Người Pháp mở sở thuốc phiện, cho người Tàu kinh doanh hàng trăm tiệm hút khắp Sài Gòn Chợ Lớn để thu tiền thuế và làm cho dân chúng mê mệt “nàng tiên nâu” với mục đích làm cho sức tàn lực kiệt, làm cho đại đa số quần chúng mất đi ý chí đấu tranh chống lại chính quyền. Dân nghiện xì ke (thuốc phiện), con bạc cháy túi, cầm cố đồ đạc trong nhà rất nhiều. Cầm rồi không bao giờ chuộc, nên chú Hỏa bán ra lại càng giàu thêm. Sau nghề cầm đồ, có vốn liếng lớn trong tay, chú Hỏa chuyển sang nghề xây cất nhà cho thuê. Chú Hỏa cho xây một căn nhà to lớn trên đường A-Sặc – Lô-rai (Alsace-Lorraine – Phó Ðức Chính ngày nay), tầng dưới làm văn phòng công ty, tầng trên làm nơi ở cho gia đình, trên tường cánh cửa chính khắc nổi mấy chữ “SIHBH” (Société Immobilière Hui Bon Hoa).
Chuyện chú Hỏa, sau này tôi nghe nhiều người khác kể lại, không riêng gì chú Năm. Mỗi người mỗi phách nhưng tựu trung nói lên ý chí làm việc siêng năng để trở thành giàu có. Cách nay mấy năm tôi tình cờ đọc được bài viết “Chuyện thật về Hui Bon Hoa và ngôi nhà chú Hỏa” bằng tiếng Anh do nhà báo Chen Bichiun liên lạc với người cháu cố (đời thứ 4) của chú Hỏa, sống ở Paris. Ông Fernand Hui Bon Hoa cung cấp hình ảnh và nhiều chi tiết khá thú vị về các câu chuyện cũng như dòng họ. Một chi tiết cần chú ý ngay khi chú Hỏa đến Sài Gòn không phải làm nghề mua bán ve chai mà là làm công cho công ty cầm đồ Antonio Ogliastro. Ông chủ đề nghị chú Hỏa nhập tịch Pháp để cùng quản lý công ty. Làm ăn có tiền, chú Hỏa mới bước sang lãnh vực mua đất cất nhà cho thuê. Chú Hỏa chỉ có ba người con trai và dòng họ Hui Bon Hoa không có người nào mang bệnh phong cùi. Duy chỉ có một người con trai có đứa con gái bệnh tâm thần và chết tại nhà.
Ngay cả tôi cũng từng lầm tưởng chú Hỏa là người từng đóng góp tiền bạc xây dựng bệnh viện, trường học, nhà cô nhi ở Sài Gòn Chợ Lớn ngày xưa mà các báo Nam Kỳ Lục Tỉnh hay Phụ nữ Tân Văn nêu tên ân nhân trên báo. Tên Hui Bon Hoa này là tên dòng họ đồng thời là tên công ty sau khi ba người con trai của chú Hỏa là Thắng Phiên, Thắng Chánh, Thắng Hưng đến Sài Gòn giúp cha việc xây cất mua bán, cho thuê nhà cửa và mở công ty trong thời gian chú Hỏa cùng vợ trở về Quảng Châu an hưởng tuổi già và qua đời vào năm 1901 để lại sự nghiệp tại Sài Gòn cho các con tiếp bước. Như Vậy Công ty Hui Bon Hoa (Hiện nay dùng làm Bảo tàng Mỹ thuật thành phố) do đời thứ 2 xây dựng vào năm 1929, và sau đó là ba ngôi nhà của ba người con chung quanh công ty. Cũng như hồi năm 1937, có báo viết thương gia Hui Bon Hoa hiến tặng mảnh đất rộng gần 2 héc ta trên đường Arras (nay Cống Quỳnh) để xây Bảo sanh viện Ðông Dương đến năm 1946 đổi thành Maternité George Béchamps, người dân thường gọi Nhà bảo sanh Chú Hỏa (nay là Bảo sanh Từ Dũ). Vào thời gian này, đời thứ 3 của dòng họ Hui Bon Hoa bắt đầu tiếp tục sự nghiệp của gia đình cho đến trước 1975 rời Việt Nam, hầu hết sang Pháp.
Ngôi nhà nghỉ của dòng họ Hui Bon Hoa ở Long Hải được hãng phim Dạ Lý Hương mượn cảnh để quay phim Con ma nhà họ Hứa (Ảnh: Internet) |
Cháu cố Fernand Hui Bon Hoa từng về Sài Gòn thăm lại mồ mả cha ông chôn cất tại khu nghĩa trang gia tộc (Bình Trưng, Thủ Ðức). Và những anh em chú bác của Fernand vào năm 2007 về Sài Gòn tình cờ mua được tấm hoành ngoài chợ đồ cổ mang về Paris. Tấm hoành khắc hoạ bài thơ của ông chú Thắng Hưng nói về gia tộc Hui Bon Hoa làm ăn ở Sài Gòn trải qua trăm năm.
Một chi tiết thú vị khác là vào năm 2011, nhân chuyến du lịch sang Paris, một người Mỹ gốc Việt liên lạc được với Fernand Hui Bon Hoa, có ghé tặng cho ông một Kỷ niệm chương ghi nhớ công lao của dòng họ Hui Bon Hoa. Số là hồi sống ở Sài Gòn, người này gia cảnh rất nghèo, mẹ bệnh thập tử nhất sinh, may mà đến bệnh viện chú Hỏa được bác sĩ tận tình chữa trị. Nay ghi ơn sâu, truy tìm dòng dõi họ Hui Bon Hoa chỉ để gặp mặt nói lời tri ân tận đáy lòng.
Tác giả: Trang Nguyên
Collect & Posted by
Nguyen Ba Dat • Business Development ExecutiveViện Xúc Tiến Phát Triển Giáo Dục Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620Email: dat.nguyen@edunet.vn
Nguyen Ba Dat • Business Development Executive
Viện Xúc Tiến Phát Triển Giáo Dục Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620
Email: dat.nguyen@edunet.vn