About Me

header ads

Khi căng thẳng ta lại ghiền mua sắm, vì sao?

Hầu như chị em phụ nữ nào cũng thích mua sắm, ngay cả khi tâm trạng vui hay buồn, đặc biệt là mỗi khi gặp áp lực và căng thẳng trong cuộc sống, công việc. Tuy nhiên, thói quen mua sắm dựa trên cảm xúc vì quá căng thẳng thật sự sẽ có tác động xấu nếu kéo dài lâu, theo trang mạng Style Caster


Xu hướng hiện nay không chỉ đến trung tâm mua sắm mà còn có thể shopping trên mạng. Khi mua sắm trên mạng, bạn không cần phải lái xe đến trung tâm mua sắm, cũng chẳng phải cần phải kiếm chỗ đậu xe. Bạn đã biết mình thích món gì, lựa cái nào hợp với mình nên việc chỉ cần bấm chuột và mua hàng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Theo nhà tâm lý xã hội Catherine Silver, mua sắm giúp bạn quên muộn phiền. Nó dần dần trở thành kỹ năng đối phó với thực tại, khiến bạn quên đi những áp lực mà mình đang gặp phải.

Các chiến dịch marketing được đầu tư kỹ càng và ngày càng phát triển mạnh, đánh vào tâm lý khách hàng khiến bạn tin rằng, việc mua sắm là điều đúng đắn giúp bạn trở nên vui hơn và cảm xúc của bạn sẽ tốt hơn.

“Chúng ta mua đồ này đồ kia với hy vọng rằng nó sẽ khiến chúng ta thay đổi suy nghĩ tích cực hơn, cho dù nó có thể là bộ ghế sofa mới, quần áo mới hay thậm chí là đi đăng ký thẻ thành viên để tập thể dục,” nhà tâm lý Silver cho biết.

Ngoài ra, các chiến dịch quảng cáo trên trang mạng xã hội như Facebook và Instagram khiến hầu như ai xem cũng phải tự nguyện rút hầu bao ra. Chẳng hạn như hình ảnh cây son MAC và đôi giày cao gót của Louboutin khiến bạn nghĩ đến cuộc sống thượng lưu, cao sang, quyền lực và tự tin hơn.

Trong khi đó, một số người lại rơi vào tình trạng như thế này. Họ đang cảm thấy buồn bực, họ đi mua sắm, khi mua được đồ mình thích, họ cảm thấy thích thú và vui sướng. Nhưng sau đó, họ lại rơi vào tâm trạng tiêu cực vì chi tiêu quá lố chỉ vì mua sắm dựa trên cảm xúc, và cứ như vậy, cái vòng tuần hoàn lẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại.

Khi thói quen mua sắm trở thành một vấn đề, nó bắt đầu cản trở cuộc sống của chúng ta và dần dần có thể dẫn đến tình trạng mất kiểm soát. Đặc biệt, đối với những ai đang căng thẳng vì vấn đề tài chính, thì việc mua sắm để giải tỏa tâm lý chỉ làm sự căng thẳng của bạn càng tệ thêm.


Vậy làm sao để cân bằng chuyện mua sắm không làm chúng ta căng thẳng thêm?

Nhà tâm lý học Catherine Silver cho rằng, bạn nên thực hiện bài kiểm tra giới hạn cho chính mình mỗi khi mua sắm online hay tại cửa hàng. Hãy tự quy định bản thân là mình được tiêu xài trong số tiền bao nhiêu. Bạn có thể đến trung tâm thương mại, đi xem các sản phẩm mới nhưng tuyệt nhiên đừng vung tay quá trán, để rồi bạn chỉ thấy căng thẳng thêm mà thôi.

Bạn nên tập thói quen mua sắm không dựa dẫm vào cảm xúc của mình. Nếu bạn cảm thấy điều đó là khó khăn, bạn nên tìm gặp các chuyên gia tâm lý và bác sĩ trị liệu để chữa trị, giúp cho cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và lành mạnh hơn.

Collect & Posted by

Nguyen Ba Dat • Business Development Executive
Viện Xúc Tiến Phát Triển Giáo Dục 
Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620