Trước năm 1975, tin đồn và cả báo chí đều loan truyền về những ông vua không ngai của những người Việt gốc Hoa trong Chợ Lớn. Vua phế liệu và tín dụng Lâm Huê Hồ, vua lúa gạo Mã Hĩ và bà Lại Kim Dung (nữ hoàng gạo), vua bột ngọt Vị Hương Tố, Trưởng bang Triều Châu là Trần Thành, vua dệt và sắt thép Lý Long Thân… Trong đó nổi bật nhất là Lý Long Thân mà báo chí thường nhắc đến như một ông vua không ngai trong nền kinh tế miền Nam.
Những giai thoại về Lý Long Thân
Lý Long Thân với cơn sốt chim cút: Những năm 1970, Sài Gòn rầm rộ dấy lên phong trào nuôi chim cút, lấy trứng và bán thịt cho các nhà hàng, tiệm ăn. Dư luận cho rằng tỷ phú người Hoa Lý Long Thân là người đã tạo ra cơn sốt chim cút làm cho rất nhiều người phải tán gia bại sản, trái lại Lý Long Thân thu vào một số tiền kếch xù trong một thời gian ngắn.
Chim cút được nuôi ít nhất là từng cặp, trống, mái. Hai tháng sau khi nở, cút mái đẻ từ 10 đến 12 trứng mỗi đợt. Sau khi không còn đẻ nữa thì được bán làm thịt.
Cơn sốt chim cút là khi giá bán tăng lên một cách kinh khủng từng ngày, từng giờ một, cùng với tin đồn dồn dập “cút đẻ ra vàng”. Quảng cáo trên báo, người cần mua một cặp cút giá 5,000 đồng, người cần bán 3 cặp chim cút với giá 8,000 đồng một cặp. Thế rồi giá bán, giá mua được phổ biến tăng lên đến điểm đỉnh là15,000 đồng một cặp. Nhiều tay chơi bạo muốn làm giàu nhanh chóng, bán xe, vay nợ, mang hết tài sản ra mua chim cút để hốt bạc, nhưng bỗng dưng không còn ai mua cút nữa, thế là tán gia bại sản, cút đem rô ti nhậu chơi.
Thủ đoạn của gian thương ở đây là họ nắm được số lượng chim cút của phong trào mới bắt đầu, để tung tiền ra cho đám thuộc hạ thu gom một số lượng lớn với giá rẻ để tích trữ, chờ khi giá lên cao tung ra bán để hốt bạc.
Đồng thời tung tin đồn “cút đẻ ra vàng”. Các mục quảng cáo trên báo liên tục đưa tin tăng giá, tăng đến cao điểm là 15,000 đồng một cặp cút đang đẻ. Người đăng báo muốn mua và muốn bán thật ra cũng chỉ là tay chân của họ mà thôi. Cũng có nhiều người thật sự đã hốt bạc do bán một vài ba cặp cút, nhưng sau đó lại bỏ thêm tiền mua vào để kiếm lời nhiều hơn nữa nên cuối cùng cũng trắng tay.
Như vậy cơn sốt chim cút chỉ là việc đầu cơ tích trữ, tạo khan hiếm giả tạo để nâng giá, và cuối cùng tung số lượng tích trữ ra bán giá cao để thu lợi. Gian thương hốt bạc, những người muốn làm giàu nhanh chóng mà không có kinh nghiệm thương trường lãnh đủ. Trắng tay.
Với mưu mẹo và hệ thống phân phối đặc thù, một số “đại gia” Sài Gòn xưa đã phất lên nhờ chiêu trò “không đẹp” (Hình minh họa) |
Lý Long Thân với vụ tàu chở giấy Viễn Đông:
Trong vụ cơn sốt chim cút ông ta tăng giá để hốt bạc, thì vụ tàu giấy Viễn Đông ông ta lại hạ giá để hốt bạc.
Ngày 12/5/1974, văn phòng công ty Đại Nam của Lý Long Thân nhận được điện tín của một nhân viên thuộc hạ ở ngoại quốc báo tin, lúc 6 giờ sáng cùng ngày tàu Viễn Đông đã rời cảng Stockhohm (Thụy Điển) chở về Sài Gòn cho công ty X. 6,000 tấn giấy, gồm 4,000 tấn giấy tập học sinh và 2,000 tấn giấy in báo. Đồng thời bức điện cũng cho biết giá giấy trên thị trường quốc tế.
Đọc xong bản tin, Lý Long Thân tính nhẩm ngay ra số tiền lời có thể thu được, mặc dù tàu giấy đó không phải của ông ta, mà cũng không phải giấy là ngành nghề kinh doanh của họ Lý.
- Kế hoạch hạ giá: Lập tức, Lý hạ lịnh cho các cửa hàng trong hệ thống chân rết của mình hạ giá giấy 10%, riêng khu vực Sài Gòn hạ 20%, rồi 30%, đồng thời đăng quảng cáo rầm rộ là có hai tàu chở giấy sẽ cập bến Sài Gòn với giấy tốt, giá rẻ.
Tin tức quá ồn ào. Giá giấy hạ xuống đột ngột khiến các nhà in, các tờ báo, các nhà kinh doanh giấy đều e ngại, không dám tích trữ giấy, cũng không dám mua vào vì sợ tiêu thụ không được. Đích thân ông chủ công ty X. đi chào hàng, nhưng đến đâu cũng nhận được những cái lắc đầu mà thôi.
Độc hơn nữa, khi tàu gần cập bến, Lý lại cho người mang giấy trắng ra phát không cho những người người bán hàng rong trong khu vực cảng.
Tàu Viễn Đông cập bến, ông chủ công ty X. ra đón, thấy giấy trắng gói hàng trắng xóa nằm vung vãi trên mặt đất, bèn hỏi và được trả lời: “Giấy rẻ như cho không, không gói đồ thì để làm gì?”
Tàu Viễn Đông nằm suốt mấy ngày mà chưa có người mua đến chở hàng. Bãi trường mùa hè lại đến, học sinh nghỉ hè nên chưa vội mua sắm tập vở. Các tiệm bán lẻ giấy cũng chờ đợi giá cả nên không mua.
Đúng lúc đó, người của công ty Đại Nam đặt vấn đề mua trọn số giấy trên tàu với giá hạ 50%. Bị lỗ nặng, nhưng không bán không xong, lại phải chịu lỗ thêm về cước phí vận chuyển. Vậy là, 6,000 tấn giấy vào kho của Lý Long Thân. Sau đó, một số báo “khám phá” ra rằng, tàu chở giấy về Sài Gòn chỉ là “tin vịt”, bố láo, khiến cho giấy lại lên giá và Lý Long Thân lại hốt bạc.
Trước đó, giới thương gia ít có người biết dùng gián điệp kinh tế, báo chí, và phao tin đồn thất thiệt trong việc cạnh tranh trên thương trường như Lý Long Thân.
Lý Long Thân là ai?
Lý Long Thân sinh ngày 27/8/1918 tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa. Cha là Lý Ngọc, mẹ tên Trương Thị. Gia đình nông dân đông con, bữa đói bữa no, nên ngay từ nhỏ Lý đã có khát vọng cho một cuộc đổi đời.
Năm 1938, lúc 20 tuổi, Lý và người bạn tên A Chảy đi làm công, góp tiền làm lộ phí, đến giữa năm đó thì họ có mặt ở Hải Phòng. Sau đó Lý trốn lên tàu, tìm đường vào Sài Gòn.
Tới nơi Lý tìm đến bang hội Phúc Kiến ở Chợ Lớn để nhờ giúp đỡ.
Do mặt mày sáng sủa, ăn nói lễ độ, tay chân nhanh nhẹn, thu phục được tình cảm của Bang chủ, nên anh ta được giới thiệu vào làm việc tại một hiệu kim hoàn nổi tiếng là Kim Thành.
Lý Long Thân thông minh, sáng dạ, cần mẫn và chăm chỉ nên được chủ tiệm tin cậy. Do bặt thiệp, dễ mến, Lý sốt sắng chỉ mối, giúp đổi tiền, làm trung gian giữa khách hàng và chủ tiệm trong việc mua và bán vàng. Khách hàng là những người có địa vị, làm ăn lớn, giàu có, trúng mánh nhờ cờ bạc hoặc áp phe buôn bán. Qua trung gian ăn chặn, hưởng hoa hồng, nhờ thông minh, nhạy bén nắm bắt thời cơ khi giá vàng lên, xuống, trong 5 năm Lý đã có một số vốn khá lớn, bỏ tiền vào phần hùn của tiệm.
Khi vốn đã lên tới bạc triệu, Lý bỏ Kim Thành, ra lập công ty môi giới địa ốc Tong Yuan. Việc làm ăn phát đạt thu về hàng vạn bạc mỗi tháng cho Lý.
Năm 1943, Lý đem hết tiền mua cổ phần công ty SAVICO (Địa ốc thương cuộc) rồi mở mang sang việc xuất nhập cảng dựa trên quan hệ Hoa kiều Chợ Lớn với người Hoa ở Hồng Kông, Đài Loan và cả Hoa lục nữa, mà Lý là một mắt xích. Việc kinh doanh mang tầm vóc quốc tế.
Thời đó chính quyền Đệ nhất Cộng Hòa cấm người Hoa kinh doanh một số ngành nghề, ngay lập tức, Lý Long Thân xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Công ty VINATEXCO nay là công ty Dệt Thắng Lợi |
Vào tháng 3 năm 1959, Lý Long Thân ký quỹ một số tiền rất lớn để được giữ chức vụ Hoa Vụ Kinh Lý tại ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Ở chức vụ này họ Lý chuyên trách thu hút đầu tư của các đại xì thẩu người Hoa, để thành lập hai công ty VINATEXCO (Việt Nam Vải Sợi Công Ty) và VINATEFINCO (Việt Nam Vải Sợi Hoàn Tất Công Ty). Vừa sản xuất, vừa kinh doanh xuất nhập cảng nên Lý Long Thân thao túng phần lớn thị trường vải sợi miền Nam.
Tại nhà kho ngay cầu Tham Lương, gần ngã tư Bảy Hiền, vật liệu và hóa chất phục vụ cho dệt nhuộm nhiều đến nỗi cung cấp liên tục trong 3 năm không hết.
Lý Long Thân thấy nghề nào hái ra tiền thì chớp thời cơ nhảy vào hốt bạc. Từ dệt tơ sợi, nhảy sang sắt thép. Thành lập nhà máy cán thép VISACA. Đến năm 1974 nhà máy nầy có số vốn là 600 triệu đồng.
Khi chánh sách “Người cày có ruộng” được đưa ra. Nắm bắt cơ hội, Lý Long Thân cho ra đời hàng chục công ty lớn nhỏ, nhập cảng ào ạt các loại máy móc nông nghiệp. Dưới tay họ Lý, 19 kho hàng và hàng chục cơ xưởng rải ra khắp Sài Gòn – Chợ Lớn. Bất cứ lúc nào, những nhà kho trong Phú Thọ Hòa cũng có sẵn hàng trăm chiếc máy cày hiệu Kohler, Kubota, máy bơm nước, máy phát điện nhỏ, máy đuôi tôm, nhập cảng từ Nhật Bản. Hàng loạt nhà kho chứa đầy phụ tùng các loại xe gắn máy, hàng tiêu dùng…
Và Lý Long Thân đã trở thành ông vua hai ngai, ngành dệt vải và máy móc.
(Trích từ cafevannghe.wordpress.com)
Collect & Posted by
Nguyen Ba Dat • Business Development ExecutiveViện Xúc Tiến Phát Triển Giáo Dục Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620Email: dat.nguyen@edunet.vn
Nguyen Ba Dat • Business Development Executive
Viện Xúc Tiến Phát Triển Giáo Dục Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620
Email: dat.nguyen@edunet.vn