Tình thế là vậy, song bao đời qua, người Mường sáng tạo nên một hệ thống di sản văn hóa đồ sộ với hàng vạn câu thơ mo sử thi kể suốt trong 13 đêm tang lễ. Hệ thống tri thức quan trắc thiên văn, quan sát mặt trời để định ra ngày tháng, quan sát các thay đổi của động vật, thực vật xung quanh và trong tự nhiên để định ra lịch tiết, ngày tháng, hệ thống tư tưởng có tính triết học thể hiện trong lịch đá rò (con rùa). Kho tàng tri thức trong ứng xử với thiên nhiên, làm mùa, săn bắt.... Đặc biệt trong điều kiện không có chữ song người Mường vẫn thiết lập được hệ thống giáo dục - xin tạm gọi là giáo dục trong dân gian Mường - của riêng mình để dạy bảo con cháu từ đời này sang đời khác.
Hình thức giáo dục: truyền khẩu, truyền dạy tại gia và qua các công việc lao động, sản xuất thực tế.
- Phân loại trẻ theo độ tuổi:
Do không có các trường học tập trung, không có người làm thầy giáo chuyên nghiệp để giảng dạy, người Mường dạy dỗ, truyền thụ tri thức cho con em mình tại gia đình và mọi lúc, mọi nơi, uốn nắn các hành vi của con trong hoàn cảnh sống, lao động sản xuất thực tế. Hình thức bằng ngôn ngữ nói tương tác trực tiếp, hoàn toàn không có sách, vở và ghi chép.
Nói đến giáo dục cả người dạy và người học đều không thể thiếu giáo trình và sách giáo khoa và vở viết để người học ghi lại các kiến thức đã tiếp thu. Cộng đồng hay xã hội cần có những quy chuẩn về tri thức để dạy học. Chữ viết không có, hệ thống giáo dục công lập không có, người cầm quyền là lang - đạo phần nhiều cũng mù chữ, vậy người Mường đã giải quyết vấn đề này như thế nào?
Người Mường đã sử dụng hệ thống truyền thuyết, truyện cổ, mo Mường, các câu tục ngữ, ca dao, dân ca và các trò chơi dân gian... Ngoài ra, kho tàng kinh nghiệm sản xuất, quan sát lịch tiết... làm giáo trình và là sách giáo khoa cho cả người dạy và người học.
- Giáo dục có tính phân theo lứa tuổi
Việc dạy và giáo dục con em được người Mường phân định khá rõ ràng, tùy theo từng lứa tuổi có cách truyền dạy khác nhau.
Trẻ sơ sinh đến khoảng 5 - 6 tuổi: ở lứa tuổi này, các bé chưa thể tiếp thu được những điều sâu xa, lớn lao, lứa tuổi các bé đang tập đi, tập nói. Để giúp bé cảm thụ và dần biết nói, biết cảm thụ ngôn ngữ người Mường đã sử dụng hình thức hát ru, trong tiếng mường gọi là “Răng đêw” hoặc “úi ui”.... Các bài hát ru cho các bé thường được sáng tác theo lối nhảy cóc, cốt có vần hợp với điệu hát ru, hát theo lối chầm chậm, điệu buồn, rất dễ cho các bé ngủ. Các câu ru thường nói về hoa, quả... trong vườn, con vật nuôi quanh nhà... bằng các câu tả thực, tượng hình, tượng thanh. Việc này tưởng như giản đơn chỉ cốt làm cho bé ngủ, song sâu thẳm trong tâm thức các bé đã dần đắc thụ ngôn ngữ từ việc người lớn dạy, trẻ từ tìm hiểu và cũng một phần học được qua các bài ru.
Ở lứa tuổi khoảng 4 - 6 tuổi, lúc này, các bé đã nói tương đối thạo, biết các câu giao tiếp thông thường và đã biết thể hiện sự mong muốn của mình qua ngôn ngữ. Lúc này người Mường thường ru các bé bằng các bài ru có chủ đề, có chuyện, nội dung trong sáng, kể về một việc nào đó như các bài ru: “Vịt đẻ trứng” “đập bôông bôông”.... Việc này giúp các bé phát triển tư duy ngôn ngữ, dần nhận thức thế giới quanh mình. Lúc này, người Mường cũng làm các đồ chơi phù hợp với lứa tuổi và những lúc rảnh rỗi họ cùng chơi với các bé.
Lớn hơn từ khoảng 7 -8 tuổi đến tuổi vị thành niên, lúc này, việc hát ru khi các bé lớn lên dần không còn phù hợp nữa, người Mường sử dụng đến hình thức khác. Hàng ngày vào buổi tối, nhất là vào mùa đông, quây quần bên bếp lửa trên nhà sàn, chính nơi đây, các ông, bà, cha mẹ chuyện trò cùng con cháu, kể cho nghe những câu truyện cổ, truyền thuyết dân gian... Dần dần những nhân vật như: Con Côi, chàng Khọ tuy nhà nghèo khó, bố mẹ mất sớm nhưng trung thực, chăm chỉ nên có cuộc đời tốt đẹp. Những nhân vật gian dối, lừa lọc như thằng Cuội bị dân gian chê bai, đả kích. Dần dần tạo nên nhận thức trong các em về tốt, xấu, nề nếp ứng xử.
Các trò chơi dân gian được sáng tạo cho các em chơi nhưng là vừa chơi, vừa học, như các trò: “Đố lá” giúp các em nhận biết, phân biệt được các loại thực vật quanh nhà và trong rừng, biết được lá nào độc, lá nào lành, củ nào ăn được, loại cây nào tốt, dễ bị mối mọt xông.... Trò “Đánh hồ” là trò chơi giúp các em nhận dạng các loại hình học... Các kỹ năng sống được chú ý dạy cho các em, vùng mường gần sông nước dạy cho các em biết bơi, biết tát vũng nước để bắt cá. Trẻ em vùng rừng, đồi được dạy kỹ năng sử dụng nỏ bằng các cây nỏ trò chơi....
Từ lứa tuổi vị thành niên đến lúc trưởng thành, lúc này, việc học ứng xử, học kỹ năng sống và học làm việc để kiếm sống được người Mường đặc biệt chú ý trong dậy và giáo dục. Họ dậy con cháu mình biết sử dụng trâu, bò cày, bừa, vót nan, đan các vật dụng như: bồ, sọt... dùng gánh lúa, gánh phân, đi rừng mang theo dao, dựa để phòng thân khi bị hổ, báo tấn công, mang theo bị nhỏ khoác vai, khi thấy sản vật rừng có thứ mang đựng mang về...
Với người trưởng thành, việc học vẫn chưa dừng lại. ở lứa tuổi này học làm người, tình yêu, tình bạn, kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm đi rừng, săn bắn, bẫy bắt thú.... tiếp tục được những người có tuổi truyền lại cho. Mo Mường được kể trong tang lễ là loại hình bách khoa thư dân gian, trong đó, chứa đựng thế giới quan, nhân sinh quan, tri thức dân gian được truyền thụ cho đời sau góp phần quan trọng trong giáo dục đạo đức, lẽ sống của người Mường. Ngoài ra, các truyện thơ dân gian truyền miệng như: truyện Nàng Nga - Hai Mối, út Lót - Hồ Liêu, vườn hoa núi Cối, anh chàng Bồng Hương và bà Nàng Thờm..., mỗi truyện dài hàng nghìn câu thơ được người Mường hát, ngâm, kể cho nhau nghe. Đây là mạch nguồn giáo dục và gìn giữ tiếng nói, văn hóa.
Những người cao tuổi truyền dạy lại cho con, cháu kinh nghiệm, kỹ năng quan sát trời, đất để ước đoán thời tiết trong làm mùa, kỹ năng, bí quyết trong đi săn, bắt cá, làm nhà sàn, đóng xe nước ... Người Mường có thể biết ngày nào cá đi lên ngược nước, ngày nào cá xuôi dòng, thú rừng thường sinh sản vào mùa nào, khi nào đi săn là phù hợp, biết khai khẩn loại đất nào để thành ruộng cấy....Đây là những loại hình tri thức dân gian có giá trị ứng dụng đặc biệt trong duy trì, truyền lại cho đời sau để con cháu đấu tranh, sinh tồn và lao động cải thiện cuộc sống thực tại của mình.
Tựu chung lại, giáo dục người Mường trước tháng 8/1945 là giáo dục tại gia, dân dã và tự phát, phục vụ cho con người, vì con người, chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực: truyền dạy ngôn ngữ, giáo dục đạo đức, lẽ sống và kỹ năng sống và kinh nghiệm sản xuất... Từ đó hình thành nên nhân cách, lối sống, tinh thần yêu lao động, sống hòa hợp với thiên nhiên, duy trì sự tồn tại của bản sắc dân tộc Mường suốt hàng nghìn năm đã qua.
Posted by:
Nguyen Ba Dat • Development CSU’s Programs Manager
Columbia Southern University • Faculty Development Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620 • Email: datcsu@hcm.fpt.vn
https://vn.linkedin.com/pub/dat-nguyen/21/63b/b40
https://www.facebook.com/datcsu
https://namcolumbia.blogspot.com/
WWW.COLUMBIASOUTHERN.EDU.VN