Muốn cải tiến hệ thống giáo dục đại học để có nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam cần phải cố gắng để hoàn thiện các trường đại học hiện có trước đã. Sẽ đến ngày Việt Nam sở hữu những trường đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng có lẽ viễn cảnh đó vẫn còn xa xôi.
Mô hình truyền thống hiện nay tại các trường Đại học (Ảnh minh họa) |
Trong Báo cáo cạnh tranh toàn cầu xuất bản hàng năm bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới, các nền kinh tế được phân loại theo ba giai đoạn phát triển.
Ở khu vực Đông Á, các nền kinh tế như Campuchia vẫn ở giai đoạn "dựa vào nguồn lực" (giai đoạn một), trong khi các thị trường mới nổi như Thái Lan phát triển hơn ở mức "dựa vào tính hiệu quả" (giai đoạn hai).
Đứng đầu danh sách là một nhóm nhỏ các quốc gia Á châu, trong đó có Nhật Bản, đã đạt đến giai đoạn "dựa vào sự đổi mới" (giai đoạn ba), sánh vai với các nền kinh tế Bắc Mỹ và Tây Âu.
Về mặt định tính, nền kinh tế giai đoạn một vẫn phụ thuộc vào nguồn lao động rẻ và tài nguyên thiên nhiên để thiết lập nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Nhưng khi lên giai đoạn hai, mức lương cao hơn bắt buộc năng suất phải tăng để duy trì tính cạnh tranh.
Năm 2015, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã chuyển Việt Nam từ giai đoạn một sang nhóm các nền kinh tế đang "chuyển tiếp" sang giai đoạn hai (trong đó có Philippines). Sự thay đổi mang tính biểu tượng này cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong ba mươi năm qua.
Tuy nhiên, con đường đầy thử thách vẫn chờ đợi phía trước.
Để tiếp tục tăng trưởng và tránh rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", Việt Nam sẽ phải giải quyết những thiếu sót đang cản trở những nỗ lực nâng cao chuỗi giá trị. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, một trong số đó là chuẩn giáo dục và đào tạo đại học.
Dù Việt Nam được đánh giá là có nền giáo dục cơ bản khá vững mạnh, nhưng các trường đại học, cao đẳng và các chương trình dạy nghề vẫn phát triển khá chậm chạp.
Theo Chỉ số Năng lực cạnh tranh, "lực lượng lao động có trình độ học vấn thấp" được coi là vấn đề lớn thứ hai trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, chỉ sau "khả năng tiếp cận tài chính thấp", xếp trên "tham nhũng", "cơ sở hạ tầng chưa đủ phát triển" và các vấn đề khác.
Trong bảng xếp hạng các hệ thống giáo dục đại học năm 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp Việt Nam ở vị trí số 84, kém rất xa Thái Lan (thứ 57) và Philippines (thứ 55).
Chương trình hợp tác giữa Trường Đại Học Nam Columbia (Mỹ) và Hội Khuyến Học Việt Nam theo hình thức E-learning được triển khai tại Việt Nam từ 2001 |
Trong những năm gần đây, việc các trường đại học nước ngoài được thành lập ở Việt Nam, hoặc đang trong giai đoạn lập kế hoạch (trong đó có RMIT, Đại học Anh quốc Việt Nam và Fulbright Việt Nam) đã thu hút nhiều sự chú ý. Liệu các trường đại học này có giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách về chuẩn giáo dục đại học với các nước láng giềng?
Trước khi trả lời, ta cần xem xét nhiệm vụ chính của những trường này. Liệu chúng có nhận đào tạo một lượng lớn sinh viên với mức chi phí tương đối “dễ thở” đối với đa số người dân hay không? (Đây là chức năng của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học công lập trên thế giới).
Hay các trường này chỉ phát triển một số ít sinh viên ưu tú để họ có thể thay đổi diện mạo cho đất nước với tư cách là các doanh nhân, nhà khoa học và công chức? (Đây là nhiệm vụ của Harvard, Oxford, Đại học Tokyo cũng như các trường khác của giới tinh hoa toàn cầu).
Đại học Quốc tế Sài Gòn |
Theo ông Julio Giulietti, người đứng đầu chương trình giảng dạy của Đại học Georgetown (Mỹ) tại TP. Hồ Chí Minh, không chắc rằng các trường đại học nước ngoài ở Việt Nam có thể xuất sắc hoàn thành những vai trò này.
Ông Julio Giulietti cho biết, việc xây dựng một trường đại học đúng chuẩn quốc tế rất khó khăn, đòi hỏi những khoản đầu tư mạnh tay vào cơ sở vật chất, đặc biệt là về nhân lực (giáo dục cao học đẳng cấp quốc tế làm sao mà rẻ được!). Những chi phí này dồn lại, và để có lợi nhuận, trường phải thu học phí vượt xa mức hầu hết sinh viên Việt Nam có thể chi trả.
Hơn nữa, dù các trường đại học này mang danh là “đào tạo theo tiêu chuẩn và chương trình quốc tế”, nhưng sinh viên chắc chắn sẽ không được hưởng nhiều lợi ích bằng việc du học.
Nói cách khác, có quá ít các trường đại học nước ngoài và chi phí thì quá đắt để đáp ứng được nhu cầu giáo dục đại học của đại chúng. Hơn nữa, chúng không thể cạnh tranh nổi với các trường đại học ở nước ngoài để có được những sinh viên giỏi nhất - một số rất ít người được lớn lên trong gia cảnh giàu có.
Có thể một ngày nào đó Việt Nam sẽ có những cơ sở đào tạo đẳng cấp tương đương Đại học Yale-NUS ở Singapore, nơi có tiêu chuẩn nhập học cực kỳ cạnh tranh và khoảng 40% sinh viên là người nước ngoài. Nhưng có lẽ đây vẫn là một viễn cảnh!
Trong khi đó, mục tiêu thực tế hơn phải là nâng cao chất lượng các trường đại học trong nước và các trường dạy nghề thông qua các chương trình hợp tác với các trường đại học nước ngoài. Các chương trình đào tạo của Đại học Georgetown kết hợp với các trường cao đẳng y tế và điều dưỡng địa phương là một ví dụ. Hy vọng rằng sẽ có nhiều hơn nữa nỗ lực hợp tác theo hình thức này trong những năm tới.
Ngoài ra, cải cách hệ thống các trường đại học trong nước, trong đó có cải cách quá trình tuyển dụng giáo viên và chế độ đãi ngộ, có thể nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo trong nước mà không cần đến sự hỗ trợ của nước ngoài.
Bài viết này không lập luận chống lại việc thành lập các trường đại học nước ngoài ở Việt Nam. Nhưng nếu Việt Nam muốn cải tiến hệ thống giáo dục đại học, cần phải cố gắng hơn nữa để hoàn thiện các trường hiện có đã. Suy cho cùng, xây nhà không thể xây từ mái được.
Ông Michael Modler |
(*) Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả: Michael Modler, Giám đốc phát triển Kinh doanh tại Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) tại thành phố Hồ Chí Minh. (Đăng trên TheLeader